Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) chia sẻ trên Người Lao động: Nếu trong xóm, khu phố có F0, F1, không có chuyện vì bạn ở sát nhà hay đối diện mà bị bệnh. Virus không bao giờ tự nhiên "đi vào nhà" rồi "tấn công khuôn mặt bạn" nếu bạn không gặp gỡ và nói chuyện với những người mang mầm bệnh.
Theo bác sĩ Khanh, trong trường hợp này đóng kín cửa sổ là không nên. Ngược lại, trong mùa dịch, nhà cửa càng thông thoáng càng tốt. Người ta nói virus lây trong không khí chứ không phải lây qua không khí. Đó là không khí giữa 2 người tiết xúc gần (ở khoảng cách dưới 2 mét) mà không được phòng hộ bằng khẩu trang, nón che giọt bắn; là môi trường lạnh, kín (như trong một căn phòng).
Virus không thể tự bay trong không khí mà nó nằm trong giọt bắn. Có giọt bắn to, có giọt bắn li ti mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường và rất lâu mới có thể đáp xuống đất. Nếu bạn đứng gần và hít trọn bầu không khí chứa các giọt bắn li ti đó, bạn sẽ bị nhiễm bệnh. Trong phòng, những giọt bắn li ti có thể lơ tích, tích tụ đầy không gian nếu như phòng không thông gió tốt. Mầm bệnh càng nhiều thì càng dễ bị bệnh. Theo chuyên môn, đó được gọi là bệnh lây qua đường hô hấp.
Kiểm tra xem 14 ngày qua có tiếp xúc với F0 hay không?
Bác sĩ Khanh cho biết, việc cần làm là hãy kiểm tra hết các thành viên trong gia đình mình: 14 ngày qua có ai tiếp xúc với F0 đó hay không? Có ai vẫn đi lang thang trong xóm tán chuyện hay không? Không loại trừ trong xóm có nhiều hơn một F0 mà chưa được xét nghiệm nên chưa phát hiện.
Nếu đã gặp gỡ hàng xóm, ngay lập tức đeo khẩu trang, nón che giọt bắn, giữ khoảng cách với người nhà. Những thành viên còn lại trong gia đình cũng thực hiện tương tự. Vì dù trong nhà có F0 nhưng chưa chắc mọi người đều bị lây bệnh.
Bác sĩ Khanh nhận định: "Xóm có F0" cũng là lời nhắc nhở cho thấy Chỉ thị 16 không chỉ là chuyện ngoài đường, phải thực hiện ngay cả trong từng xóm, từng tổ. Không chấm dứt tình trạng túm 5 tụm 3 thì dù có phong tỏa cũng sẽ có thêm ca mới và phong tỏa đến chừng nào cả xóm bệnh hết mới hết phong tỏa.
Vi vậy, nếu trong xóm có F0 mà F0 chưa được đưa đi hoặc vẫn đang được cách ly ở nhà thì người dân hãy bình tĩnh nếu hiện tại họ vẫn ở yên trong nhà.
F0 cách ly tại nhà cần làm gì?
Đối với các F0 được cách ly tại nhà, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh điều quan trọng là không để lây sang các thành viên khác trong gia đình. Để làm được điều này, các F0 cần:
- Giữ khoảng cách với người trong nhà ít nhất 2 mét, không ăn chung, không ngủ chung, không nghỉ ngơi sinh hoạt chung. Khi tiếp tế phải giữ khoảng cách và cả hai cùng mang khẩu trang và tấm che giọt bắn,
- Ở một mình trong phòng thì không cần thiết luôn mang khẩu trang.
- Làm vệ sinh bề mặt nơi ngồi làm việc, phòng ốc phải thông thoáng.
- Ăn sạch, uống sạch rất quan trọng để không bị nhiễm thêm tác nhân gây bệnh khác.Nhà vệ sinh phải thật sạch vì nơi này là ổ tác nhân gây bệnh khác.
- Khi đi vệ sinh phải mang khẩu trang, rửa tay sạch sau khi đi vệ sinh.
- Uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ, cố gắng vận động dù không gian hẹp.
- Tham vấn sức khỏe ngành y tế khi có bất cứ lo lắng gì.