Thế giới ngầm của...trẻ em đường phố

17:00, Chủ nhật 19/01/2014

( PHUNUTODAY ) - Nếu không gia nhập vào đường dây của các ông trùm, những đứa trẻ đường phố sẽ bị dọa dẫm, đánh đập, thậm chí tịch thu phương tiện làm ăn. Những ông trùm này sẽ điều khiển bọn “chim lợn” (cai-PV) để làm việc đó.

 Còn với những đứa trẻ nằm trong đường dây, mỗi ca làm việc đều có một “chim lợn” giám sát chặt chẽ...

Những “diễn viên” nhí chuyên nghiệp

Cách đây chừng 5 năm, trong một lần ngồi trà đá vỉa hè cùng đồng nghiệp trước Làng sinh viên Hacico chúng tôi đều bất ngờ khi gặp một cô bé chừng 5- 6 tuổi đi bán kẹo. Dáng người nhỏ thó, gầy guộc và có phần nhếch nhác của em khiến người ta phải chú ý. Tuy nhiên, bên trong dáng vẻ khổ sở ấy là một tay bán hàng siêu chuyên nghiệp. Em vừa đưa phong kẹo ra mời chúng tôi mua vừa nhanh nhảu trò chuyện, ai hỏi điều gì em đều trả lời rất bài bản, tự tin. Cậu bạn tôi là dân kinh doanh vừa nói chuyện với cô bé vừa tấm tắc khen “khả năng đối đáp và bán hàng của cô bé chuyên nghiệp hơn cả những nhân viên kinh doanh”.

trẻ em đường phố, ông trùm, thế giới ngầm

Một cháu bé trong đường dây của vợ chồng trùm Sáu đang bán kẹo ở Triều Khúc (Thanh Trì – Hà Nội) (cậu bé cúi đầu đội mũ đen).

Cách đây gần một tháng, Lê Thị Thu, cô em tôi quen cách đây mấy năm, quê Quảng Xương - Thanh Hóa bỗng gọi điện rủ đi uống cà phê. Nói về Thu, tôi lại nhớ đến mái tóc xoăn tự nhiên bồng bềnh rất hợp với khuôn mặt thanh tú của em. Tôi quen em cũng rất tình cờ, lần ấy đang ngồi thơ thẩn ở quán nước gần cơ quan thì Thu khệ nệ đeo chiếc giỏ trước ngực đầy các thứ lặt vặt đi bán. Tôi bị mái tóc xoăn bồng bềnh của em hút hồn.

Gặp lại em, tôi giật mình bởi em không còn là cô bé bán hàng rong ngày trước. Giờ em xinh và lộng lẫy hơn nhiều, em ăn mặc hợp gu càng làm cho mái tóc bồng bềnh của em thêm cuốn hút. Em bảo sau bao nhiêu năm dành dụm giờ đã mở được quán gội đầu. Ngắm nụ cười hút hồn của em, tôi đánh liều suy nghĩ, giá như ngày trước mình bạo dạn hơn chút nữa, biết đâu... “Chú ơi mua kẹo đi chú, cô ơi mua kẹo đi cô...”, lời chào mời của cậu bé gầy nhom độ 7- 8 tuổi kéo tôi trở về với thực tại.

Tôi nhìn kỹ hơn thì thấy cánh tay trái của cháu bó bột, quấn băng trắng xóa đeo lủng lẳng trước ngực trông rất tội nghiệp. “Cháu bị gãy tay à? Sao không ở nhà nghỉ ngơi mà đi bán thế này? Bố mẹ cháu đâu?” – tôi hỏi. “Bố cháu mất rồi, tuần trước cháu đi bán hàng bị xe máy đâm vào gãy tay chú ạ. Cháu không đi bán thì lấy gì mà ăn, cháu còn có hai đứa em ở quê nữa”, khuôn mặt buồn thiu, cậu bé trả lời. Tôi mua 2 phong kẹo cao su hiệu Happydent White với giá 10.000 đồng/phong. Cậu bé cảm ơn rối rít rồi sang bàn bên cạnh. Tôi bóc kẹo định ăn thì Thu gạt ngay lại “kẹo giả đấy, anh đừng ăn” rồi nói tiếp “Đứa bé lúc nãy nó nói dối đấy, tay nó không bị làm sao đâu và cũng không phải mồ côi bố như lời nó nói đâu”. “Vì sao em biết điều này?” – tôi hỏi. “Anh quên là ngày xưa em đã từng đi bán hàng như thế này rồi sao?”, nàng trả lời mà không quên giấu đi ánh mắt buồn xa xăm.

“Thỉnh thoảng em vẫn gặp lại những người trong đội ăn xin, bán hàng rong với em ngày xưa, giờ có người đã thành ông trùm của đường dây này. Bây giờ hoạt động tinh vi và chuyên nghiệp hơn ngày xưa rất nhiều anh ạ. Nếu anh muốn, hôm nào anh em mình sẽ xâm nhập thế giới này một lần cho biết nhé”, em nói. Một cuộc hẹn được chúng tôi thiếp lập ngay sau buổi cà phê hôm đó.

Tiếp cận “đại bản doanh”

Sau gần một tuần phấp phỏng chờ đợi, Thu gọi điện bảo tôi chuẩn bị tinh thần để đến gặp một trong các ông trùm trong “thế giới ngầm” ấy. Theo lời kể của em thì gã này chỉ là một trong số những ông trùm ở Hà Nội chuyên chăn dắt trẻ em kiếm ăn đường phố. Địa bàn mà gã quản lý, rải quân là khu vực các quận Thanh Xuân, Hà Đông. Em hẹn tôi trước cổng bách hóa Thanh Xuân để cùng đến gặp ông trùm này và không quên dặn, anh sẽ đóng giả người nắm trong tay mấy đứa trẻ con ở quê, muốn xin cho bọn trẻ về đầu quân cho anh Sáu (tên của gã - PV).

Theo lời kể của Thu thì trùm Sáu và cô vợ tên Trúc khá nổi tiếng trong thế giới chăn dắt trẻ em kiếm ăn đường phố ở Hà Nội. Trùm Sáu quê ở Quảng Xương – Thanh Hóa, từng có thời gian chăn dắt trẻ em ăn xin ở TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên, sau một thời gian làm ăn không hiệu quả, gã cùng vợ chuyển địa bàn hoạt động ra Hà Nội. Đóng đại bản doanh tại khu vực Thanh Xuân, vợ chồng gã chuyên chiêu mộ, tuyển trẻ em nghèo tại Thanh Hóa đi bán hàng rong. Để quản lý tốt đội quân kiếm ăn đường phố này, trùm Sáu đưa vợ và con trai ở quê ra làm xe ôm kiêm “chim lợn” quản lý đám trẻ con khi hành nghề.

Khoảng 3h chiều, Thu dẫn tôi đến trước một tòa nhà 4 tầng trong ngõ 82 (đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội) nơi trùm Sáu đang thuê làm đại bản doanh cho cả đội quân của mình. “Giờ này đang là giờ nghỉ của bọn trẻ khi vừa hết ca 2 nhưng chưa tới ca 3. Mình đến lúc này là sẽ gặp được hết, anh để ý xem có đứa bé nào anh quen mặt không nhé”,  em thì thầm vào tai tôi. Nhìn bên ngoài, căn nhà 4 tầng khá bề thế nằm sâu trong ngõ không có gì đặc biệt so với những nhà khác.

Đang lúi húi quan sát qua khung cửa sắt căn nhà tôi bỗng giật mình bởi tiếng một người phụ nữ quát từ bên trong “Ai nhìn cái gì đấy?”, liền theo đó là bước chân nặng trịch. Người phụ nữ trông mặt không mấy hiền lành, da ngăm đen, độ ngoài 40 tuổi xéo mắt về phía tôi hỏi “nhìn cái gì đấy? Có việc gì?”, vừa lúc đó Thu bước lại và nói “chúng tôi có hẹn với anh Sáu để xin cho mấy đứa trẻ về đây làm. Anh Sáu có nhà không chị?”. Ánh mắt người phụ nữ có vẻ dịu xuống rồi mở cửa mời chúng tôi vào nhà.

Vừa bước vào, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nô đùa của trẻ con vọng từ tầng trên xuống. “Chúng mày không nghỉ để lát còn đi làm à, đùa nghịch gì lắm thế, nhà đang có khách”, người phụ nữ nói vọng lên. Tiếng đùa nghịch im bặt.

Người phụ nữ giới thiệu bà tên Trúc, là vợ của ông Sáu, chiều nay ông Sáu đang ra ngoài có việc, hơn nửa tiếng nữa mới về. “Hai người chờ được thì chờ không thì hôm sau lại tới. Sắp đến giờ đi làm của bọn trẻ, ông ấy chắc cũng gần về”, bà Trúc lên tiếng. Thu nói đang có mấy đứa cháu ở quê, muốn cho ra đây bán hàng kẹo nhưng không quen ai nên sợ bị bắt nạt. Nghe nói vậy bà Trúc nhanh nhảu bảo: “Ở với chúng tôi cơm ngày hai bữa, ăn ngon, không bị đánh đập và cũng không sợ ai đánh đập đâu nhé. Gửi vào đây là yên tâm rồi. Nhưng cụ thể thế nào thì chờ ông Sáu về quyết định”.

Lấy cớ dành thời gian cho bọn trẻ nghỉ, chúng tôi ra ngoài uống nước rồi hẹn lát nữa sẽ quay lại. Thu rủ tôi vào quán nước gần đó ngồi quan sát toàn cảnh đại bản doanh của vợ chồng trùm Sáu...

Những đứa trẻ đường phố được huấn luyện thành “cỗ máy nói dối”

Nhấp ngụm cà phê Thu nói thêm, những đứa trẻ này không bao giờ đi một mình, có hẳn một đường dây chăn dắt, chúng được được đào tạo chuyên nghiệp để trở thành cỗ máy nói dối và cỗ máy kiếm tiền.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link