Thứ trưởng BYT nói: 3 lý do khiến số ca nhiễm ở TPHCM tăng nhanh, dịch hoành hành nhiều tỉnh phía Nam

21:27, Thứ năm 08/07/2021

( PHUNUTODAY ) - Liên tiếp những ngày gần đây, Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao trên 1000 ca. Biến chủng diễn biến phức tạp, lây lan nhanh khiến người dân vô cùng lo lắng.

Sau hơn 2 tháng chống chọi với làn sóng nCoV thứ 4, tình hình tại miền Bắc có xu hướng giảm nhiệt. Thế nhưng, hơn 40 ngày qua, điểm nóng dịch chuyển về TP.HCM và 17 địa phương phía Nam.

Cho đến nay TP.HCM hiện đang là ổ dịch lớn nhất cả nước, sáng nay mình lên báo cập nhật số ca mắc mà giật mình, chỉ tính từ 27/4 đến nay mà TP.HCM đã ghi nhận tới 8385 ca nhiễm nCoV.

Theo chỉ thị 16, TP HCM sẽ giãn cách toàn thành phố từ 0h ngày 9/7, thời gian áp dụng 15 ngày.

Vậy vì sao số ca mắc nCoV tại TP.HCM tăng nhanh trong thời gian gần đây và nhiều địa phương ở phía nam cũng ghi nhận ca dương tính?

Thành phố HCM hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước

Thành phố HCM hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước

Liên quan đến điều này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết có nhiều nguyên nhân như sau:

Thứ nhất: Do tính chất phức tạp của biến chủng Delta. Đây là biến chủng có khả năng lây lan rất nhanh, đặc biệt là khi tiếp xúc gần. Và khi TP.HCM biến thành ổ dịch lớn, các hoạt động giao thương giữa các địa phương lân cận trở thành nguy cơ.

Thứ 2: Do các F0 có lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều, khiến dịch lan nhanh từ TP.HCM sang các tỉnh lân cận. Và khi bị lây nhiễm nCoV, các F0 lại không hề biết, "lẩn khuất" trong cộng đồng nên đã đến nhiều điểm công cộng trong thời gian dài.

Hơn nữa, các bệnh nhân lại có chung đặc điểm là làm nghề nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc, giao tiếp với nhiều người. Ở một số tỉnh dịch lây theo lái xe đường dài, dẫn tới việc không thể phát hiện kịp thời. Và việc khoanh vùng và xử lý của nhiều địa phương không kịp tốc độ lây lan.

Đến khi truy được F0 thì số lượng người liên quan đã rất lớn, virus lúc này đã lây nhiễm tới nhiều chu kỳ. Điều này chứng tỏ rằng virus đã âm thầm lây lan trong khoảng thời gian dài, từ đó khiến cho ổ dịch tại TP.HCM và nhiều tỉnh phía Nam phức tạp hơn.

Nguyên nhân thứ 3: Là do đặc tính virus lây nhiễm mạnh, trong đợt dịch lần này ở phía Nam bùng phát nhiều trong các gia đình, nơi làm việc, nhà trọ và đặc biệt các tòa nhà văn phòng, cơ sở chế biến thực phẩm đông lạnh...

Đề cập đến điều này, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết, công nhân mắc nCoV không triệu chứng đi làm cũng là nguyên nhân khiến cho quần thể người lao động bị lây nhiễm.

Tại khu vực phía Nam cũng đã ghi nhận 1 số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính với nCoV chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm.

Tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam hiện vẫn được đánh giá là rất khó lường. Điều cần làm lúc này là tăng cường tốc độ truy vết và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin.

Ngoài ra, người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Bởi vì F0 có thể lẩn khuất ở bất kỳ đâu, nên chúng ta không nên ra ngoài khi không cần thiết và hạn chế di chuyển, đi lại để tránh bị lây nhiễm.

Số ca nhiễm tăng theo ngày

Số ca nhiễm tăng theo ngày

Vậy nguồn lây của đợt dịch nCoV đang bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam từ đâu ra?

Tại TP.HCM: Thành phố này hiện là ổ dịch lớn nhất tại miền Nam, làn sóng nCoV thứ 4 tại TP.HCM này được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ ngày 15/6 - nay có tốc độ lây nhiễm siêu nhanh, hơn 5.000 F0 mới chỉ sau 20 ngày.

Riêng quận Bình Tân là địa phương lớn nhất ở TP.HCM đang phải đối mặt với hàng loạt chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây. Độ dài chu kỳ 1.000 ca dương tính tại TP.HCM ngày càng ngắn lại, trung bình chỉ còn 1-2 ngày. Đến sáng 8/7, tổng F0 đã ghi nhận tại TP.HCM trong làn sóng thứ 4 là 8.385.

Sau đó, hàng loạt địa phương lân cận của TP.HCM ở phía Nam cũng phát hiện F0. Điểm chung của những ổ dịch này đều có nguồn lây liên quan đến TP.HCM.

Ngày 29/5, Long An là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng Sông Cửu Long ghi nhận ca dương tính với nCOV. F0 ban đầu là BN6325, nam đầu bếp tại khách sạn Sheraton, số 88 Đồng Khởi, Q1, TP.HCM. Người này quê quán ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc.

Ngày 30/5, Long An ghi nhận 2 ca F0. Đó là cặp vợ chồng quê ở xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh. Họ sống tại TP.HCM và về thăm nhà ở Long An.

Sau đó, tỉnh này phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm khác, đều liên quan đến bệnh nhân ở TP.HCM. Đến sáng 7/7, Long An đã ghi nhận 237 ca mắc nCoV.

Ngày 5/6, Tiền Giang ghi nhận ca dương tính nCoV đầu tiên của làn sóng thứ 4. Đó là BN8430, là sinh viên và từng tiếp xúc gần 1 trường hợp F0. Người này làm việc tại một quán chè trên đường Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM. Sau hơn 1 tháng, Tiền Giang có tổng cộng 197 ca nhiễm nCoV.

Ngày 12/6, Bình Dương, ca nhiễm đầu tiên là BN10584, có địa chỉ ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, làm nghề bán trà sữa tại phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một.

Với đặc thù nhiều khu công nghiệp và khả năng tiếp xúc cao, tỉnh này đối mặt nhiều ca F0 mới liên tiếp, hình thành chuỗi lây nhiễm liên quan các công ty. Trong đó, có 2 ổ dịch phức tạp nhất là phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) và Công ty Việt Nam House Wares (TP Thuận An). Tổng số ca dương tính của Bình Dương đến thời điểm này là 998 ca.

Tại Trà Vinh có 3 ca nhiễm trong cộng đồng xuất phát từ nam sinh quê ở huyện Cầu Kè, đang học tại một trường đại học ở TPHCM. Bệnh nhân tiếp xúc gần với ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Tổng F0 của Trà Vinh đến ngày 7/7 là 13.

Ngày 1/6, Đồng Tháp, ca nhiễm đầu tiên trong đợt dịch thứ 4 là nam bệnh nhân 31 tuổi, trú tại huyện Tháp Mười, từng tiếp xúc 2 F0 liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (TP.HCM). Đồng Tháp đã ghi nhận 330 ca mắc nCoV.

3

Ngày 5/5, Đồng Nai có ca dương tính đầu tiên ở đợt dịch này. Bệnh nhân trú tại phường Xuân Thanh, TP Long Khánh, từng làm việc ở quán bar New Phương Đông (Hải Châu, Đà Nẵng), có tiếp xúc F0. Bệnh nhân chỉ điểm ban đầu của người này cũng đến từ TP.HCM và liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Số ca dương tính ghi nhận tại Đồng Nai là 90 người.

Ngoài ra, tại một số tỉnh như Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng... cũng đã ghi nhận những ca F0 đầu tiên với số lượng ít.

Trong cuộc họp trực tuyến diễn ra vào sáng 4/7 giữa Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM và 7 tỉnh lân cận phía Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định rằng, dịch nCoV ở những địa phương này đang diễn biến nhanh, phức tạp. Ông dự báo các tỉnh phía Nam sẽ tiếp tục ghi nhận ca mắc nCoV mới do mầm bệnh đã lưu hành trong thời gian dài tại nhiều nơi.

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Thạch Thảo