Chứng vàng da xuất hiện với tần số cao khi em bé được khoảng 3 ngày tuổi. Thông thường chứng vàng da của trẻ sẽ mất dần sau một khoảng thời gian tùy thuộc vào cơ địa của mỗi bé. Có bé chỉ khoảng một tuần là hết nhưng có bé sẽ mất khoảng nửa tháng, thậm chí nhiều bé mất đến 3 tuần mới hết. Tuy rất phổ biến nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết nguyên nhân thực sự của chứng vàng da.
Chứng vàng da xuất hiện là do sự phá hủy hồng huyết cầu sớm ngay sau sinh gây nên. Tiến trình phá hủy này tạo ra tình trạng dư thừa sắc tố bilirubin trong máu và chính sắc tố này đã khiến cho da em bé sơ sinh bị nhuốm màu vàng vàng. Chứng vàng da ở trẻ sơ sinh sẽ mất dần khi gan bé hoàn thiện, giúp bé có khả năng bài xuất bilirubin đủ nhanh để cân bằng thành phần này trong máu. Thời điểm gan hoàn thiện thường là sau khi bé được khoảng 1 tuần đến 10 ngày tuổi. Cha mẹ cần quan sát kỹ để phát hiện xem hiện tượng vàng da của trẻ là sinh lý hay bệnh lý.
Thông thường ở đại đa số trẻ sơ sinh, chứng vàng da không cần thiết phải điều trị và tự nhiên chúng sẽ biến mất trong vòng một tuần sau khi xuất hiện. Tuy nhiên, khi cha mẹ nhận thấy việc bị vàng da ở trẻ không phải là hiện tượng thông thường mà mang màu sắc bệnh lý thì nên cho trẻ đi kiểm tra mức bilirubin bằng cách xét nghiệm máu. Nếu trẻ bị vàng da bệnh lý thì phương pháp điều trị cũng rất đơn giản. Y học hiện nay áp dụng phương pháp phototherapy (tức là liệu pháp ánh sáng) để chữa vàng da bệnh lý ở trẻ. Phương pháp này chữa trị vàng da ở trẻ bằng cách chiếu ánh sáng cực tím trong vòng khoảng 12 tiếng.
Ngoài việc dư thừa sắc tố bilirubin ở trẻ dẫn đến vàng da sinh lý, một nguyên nhân nữa cũng gây vàng da cho trẻ, đó là nhóm máu không tương thích giữa mẹ và con. Y học còn gọi tình trạng này là nhóm máu Rhesus, tức là mẹ có máu Rhesus âm trong khi con lại là Rhesus dương. Nếu chứng vàng da của trẻ mà do nguyên nhân nhóm máu Rhesus này thì nó khá nghiêm trọng vì nó thường được chẩn đoán từ trước khi sinh và có sự can thiệp phù hợp.
Bên cạnh hai nguyên nhân trên, chứng vàng da ở trẻ cũng có thể do nguyên nhân khác như bệnh viêm gan và hẹp ống dẫn mật (tiếng anh là biliary atresia) – đây là bệnh hiếm gặp mà tình trạng cụ thể là ống dẫn mật phát triển lệch đi so với ống dẫn mật bình thường.
Vàng da cũng có thể do nhiễm khuẩn, hay gặp nhất ở trẻ mới sinh là nhiễm khuẩn rốn, nhiễm khuẩn da. Với trường hợp này vàng da có thể xuất hiện sớm, hoặc muộn.
Vàng da do người mẹ mắc giang mai. Với loại vàng da này thì bệnh thường nhẹ nhưng kéo dài, kèm theo gan to, lách to.
Vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh. Bệnh xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh(-), người bố có yếu tố Rh(+), con sinh ra có yếu tố Rh(+).
Nhìn chung, bệnh vàng da ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân. Yêu cầu đối với cha mẹ là cần quan sát kỹ để phát hiện xem hiện tượng vàng da của trẻ là sinh lý hay bệnh lý.
Làm thế nào để phát hiện vàng da?
Cha mẹ cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay… của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ sẽ khó thấy, nên khi ấn vào thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn. Đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà cha mẹ có thể lưu ý để theo dõi trẻ.
Vàng da được chia thành 2 mức độ:
- Nhẹ: Da hơi vàng ở mặt, thân mình; trẻ vẫn bú tốt
- Nặng: Da vàng sậm, lan xuống tay, chân; trẻ bú kém, bỏ bú; hoặc vàng da xuất hiện sớm, trong vòng 1-2 ngày sau sinh. Những trẻ sinh non, nhiễm trùng, sinh ngạt dễ bị vàng da nặng.
Làm gì khi trẻ bị vàng da?
Đối với trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8-8h30 mỗi sáng, lúc trời không quá nóng hay quá lạnh). Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Cần theo dõi diễn tiến của chứng vàng da mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày sau sinh.
Trẻ bị vàng da nặng cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:
- Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu.
- Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng.
Vàng da bệnh lý không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ biến chứng vào não trẻ, gây ra hiện tượng vàng nhân não. Hiện tượng này nếu không có những cách thức chữa trị phù hợp thì rất dễ dẫn đến não trẻ bị dị tật suốt đời, thậm chí trẻ sẽ bị giảm khả năng nghe, bị điếc hoặc giảm khả năng nhìn.