Chỉ chấm thuốc lên đốm mụn
Nhiều người có thói quen chỉ bôi kem trị mụn vào những nốt mụn đã trồi lên, dù không sai nhưng không có tác dụng ngăn ngừa những đốm mụn mới. Để hạn chế mụn mới bùng phát, hãy thoa thêm một lớp thuốc mỏng lên toàn bộ vùng da dễ nổi mụn như cằm, má...
Đi ngủ khi chưa tẩy trang
Đi ngủ khi son phấn, bụi bẩn vẫn còn trên mặt, dầu thừa trên da không được làm sạch sẽ có xu hướng gây bít tắc lỗ chân lông, làm da nổi mụn, thậm chí kích ứng. Làn da tự tái tạo tổn thương trong lúc ngủ nên hãy tạo điều kiện tốt nhất để da tự phục hồi bằng cách làm sạch, cung cấp độ ẩm.
Dùng chung mỹ phẩm và dụng cụ trang điểm
Dùng chung phấn, cọ phấn, bông/mút tán... với người khác cũng có thể khiến da nổi mụn, kích ứng. Dùng chung đồ sẽ vô tình đưa vi khuẩn gây mụn, dầu thừa, tế bào chết từ làn da người này sang sang người khác. Vì vậy, bạn nên hạn chế việc sử dụng chung các sản phẩm làm đẹp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú trọng vệ sinh cọ phấn, mút tán... thường xuyên để tránh tích tụ mồ hôi, vi khuẩn...
Chà xát da mạnh
Rửa mặt sạch là bước quan trọng để giữ da khỏe đẹp nhưng không đồng nghĩa với việc chà xát da mạnh. Chà xát quá mạnh hay lạm dụng các sản phẩm chứa hạt scrub, chất tẩy rửa mạnh có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da. Bạn nên sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ, có độ pH tương thích với da. Khi da bị mụn, bạn nên rửa bằng tay sạch thay vì sử dụng khăn hay các loại cọ, máy rửa mặt.
Thiếu kiên trì
Trị mụn không phải là việc có thể hoàn thành sau một đêm, dùng sản phẩm nào cũng nên kiên trì để chúng phát huy tác dụng. Thông thường, sẽ cần 6-8 tuần để bạn thấy được sự thay đổi rõ rệt. Tránh thử nghiệm quá nhiều sản phẩm, nghe theo quảng cáo... dễ khiến da thêm tổn thương.