Trái tim nóng của người mẹ quê mùa

09:58, Thứ hai 30/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Đời chị đã quen sống trong thiếu thốn, nhưng có một thứ dù có chết chị cũng không thể đánh mất: đứa con gái bé bỏng của chị. Đó là niềm hi vọng duy nhất và lớn nhất soi đường cho chị tìm lại lối về.

(Phunutoday) - P dặt quê mùa. Đôi tay quê kệch to bản quen lao động. Đôi mắt ánh lên cái nhìn mặc cảm cho số phận nghèo hèn. Tôi nhìn P mãi, tự hỏi, ở người phụ nữ này chẳng có lấy một chút liều lĩnh, một chút ngông nghênh, một chút “chơi” vậy mà dấn thân vào con đường làm gái. Bảo P là gái bán hoa, chẳng ai tin. Có bởi, P thậm quê kệch.

[links()]

Người đàn bà đói

Đời chị đã quen sống trong thiếu thốn, nhưng có một thứ dù có chết chị cũng không thể đánh mất: đứa con gái bé bỏng của chị. (Ảnh minh họa)
Đời chị đã quen sống trong thiếu thốn, nhưng có một thứ dù có chết chị cũng không thể đánh mất, đó là đứa con gái bé bỏng của chị. (Ảnh minh họa)

Gọi P là “người đàn bà đói” cũng chẳng sai. Đời P đói nhiều thứ lắm. Đói cơm. Đói gạo. Đói chữ. Đói cả tình thương. Mà cái đói nào cũng quay quắt, dai dẳng và đáng sợ. Ở vùng quê Yên Thủy xa xôi của tỉnh miền núi Hòa Bình, người đàn bà dân tộc Mường ấy chẳng có nổi một tấm áo ấm cho cuộc đời mình. Sống trong ngôi nhà thấp lè tè dưới chân núi, bốn bề là đồng ruộng, nương rẫy ngút ngàn, quanh năm P xoay vần chật vật với cuộc sống nghèo lay lắt.

Không giống như những người con gái ở bản, hễ đến độ trăng rằm 15, 16 là tíu tít theo chân các trai bản trở về làm con ong, cái kiến. P có phần muộn mằn, lận đận đường tình duyên. Có lẽ bởi ở P thiếu một chút sắc sảo cần có của một người phụ nữ giữ tay hòm chìa khóa. P được cái thật thà, chất phác, thậm chí cái thật thà ấy khiến P có phần ngờ nghệch.

P kể, chị chẳng biết nói dối bao giờ. Ai hỏi gì cũng trả lời trình tự đúng như sự thật vốn có. Chính vì vậy, nhiều khi chị bị biến thành trò đùa của chúng bạn tinh nghịch. Mấy anh trai bản thỉnh thoảng buông lời tình tự ngon ngọt: “P về làm vợ anh nhé”. Chị đinh ninh tưởng thật, phấp phỏng chờ đợi người trai mang lễ vật đến nhà xin dâu, nhưng đợi mãi, đợi hoài chẳng thấy bóng chú rể đâu. Những lời nói bông đùa có đôi khi P coi như lời gan ruột và sống chết tin vào những điều ấy. Thành ra, nhiều lần phát hiện bị trêu chọc, P chỉ biết khóc ấm ức cho sự ngốc nghếch, thơ dại của mình.

Sự việc P không chồng mà chửa ầm ĩ cả vùng quê vốn yên bình núp dưới chân núi. Cái cô P hiền lành, ngoan ngoãn là thế đùng một cái bụng lùm lùm to vượt mặt. Người ta xì xào bàn tán, chỉ trỏ, đàm tiếu mỗi lần P bước qua. Trong con mắt của những người dân quê mùa, thôn dã ấy, P trở thành người đàn bà “đổ đốn”, “mất nết”. Có một điều, ai hỏi P về chủ nhân của cái thai trong bụng, P nhận tất cả về mình: “Nó là con tôi”.

Chưa bao giờ P thổ lộ, hé răng nửa lời về người đàn ông bội bạc. Không biết, đó có phải là may mắn lớn cho cái kẻ vô tình, lợi dụng lòng tốt và sự cả tin mù quáng của P hay không, nhưng cuộc đời của P và đứa con không cha rẽ sang một ngả khác, đầy tủi hổ và đói tình thương, P chấp nhận tất cả, gắng gượng sống cho cả mình và đứa con gái đỏ hỏn không có ai để gọi cha.

Nhớ lại những năm tháng khó khăn trong kí ức, P lặng lẽ gạt nước mắt hồi tưởng: Đó là những năm tháng khó khăn nhất. Hai mẹ con sống tạm bợ trong ngôi nhà bé nhỏ oằn mình xiêu vẹo trong những ngày mưa bão. Ngôi nhà lá hun hút gió, thốc từng hồi lạnh cóng trong những ngày đông, nắng xiên xẹo lỗ chỗ những ngày hè. Người bản chị đã quá quen với hình ảnh hai mẹ con sáng địu nhau lên nương, đứa con gái bé tí tẹo oặt ẹo trên lưng mẹ, thiêm thiếp ngủ, đến khi mặt trời tròn bóng mới chịu dắt nhau về, chạy vạy từng bữa ăn.

Thời gian đầu, người làng người quê xì xèo bàn tán, nhưng sau họ quen dần với những cái gợn, cái bất thường trong cuộc sống. Họ lại thương hai mẹ con sống cảnh nghèo khó, túng bấn, quý chị ở cái đức thật thà, hiền lành, thi thoảng dúi vào tay mẹ con chị dăm củ khoai, bò gạo nấu cháo cho con. Chị vẫn cảm ơn cuộc đời đã dành tặng cho chị những người hàng xóm tốt bụng đó.
 

Hạnh phúc đến và đi nhanh như gió

Đến giờ phút này, chị vẫn thầm cảm ơn anh - cảm ơn người đàn ông tốt bụng bước vào cuộc đời mẹ con chị. Biết chị nghèo, lại có một người con riêng, anh đến với chị bằng một tình yêu thuần khiết và bình dị. Khi anh bảo “tôi muốn về sống với mẹ con P. Che chở cho mẹ con P”, chị cứ ngỡ mình nằm mơ, rồi chị lại sợ câu nói của anh chỉ là một lời đùa ác ý giống như những gì chị thường nhận được trong những ngày son trẻ. Nhưng nhìn vào đôi mắt chân thành, ấm áp của anh, P tin những gì anh nói hoàn toàn nghiêm túc.

Anh về sống với mẹ con P, trở thành chồng của chị, bố của con gái chị. Ngoài đứa con, chị chưa bao giờ nghĩ tới một thứ hạnh phúc khác sẽ cập bến cuộc đời mình. Nhưng anh giúp P tin rằng chị đang thực sự hạnh phúc.

Chị nhớ những buổi chiều cả nhà quây quần bên nồi khoai lang luộc bốc hơi nghi ngút. Con gái chị lũn cũn chạy vòng quanh nồi khoai, háo hức đợi bố mẹ bóc cho ăn. Cuộc sống nghèo túng là thế, nhưng chị chưa bao giờ phàn nàn hay cảm thấy thiếu thốn. Chỉ cần có anh ở bên, có con gái ở bên, với chị đã đủ đầy, viên mãn lắm rồi.

Anh tôn trọng thế giới riêng của P. Chưa bao giờ anh hỏi P về cha đứa trẻ. Anh yêu thương nó như chính con ruột của mình. Nhìn anh kiệu con gái lên vai, vui đùa ngoài khoảng sân ngổn ngang củi khô và ngô chưa dóc hạt, chị ứa nước mắt vì cảm động.

Thế nhưng, con tạo vốn hay trêu ngươi. Thứ hạnh phúc chị khó khăn lắm mới có được vụt khỏi tầm tay khi chồng chị đột ngột qua đời vào một ngày đầu đông giá lạnh. Người ta khiêng xác chồng P về nhà, anh nằm bất động như tảng đá, lạnh ngắt. Anh bị ngã giàn giáo khi đang đứng trên cao xây nhà và tử vong khi trên đường đi cấp cứu. Chị chỉ biết ôm con, gục vào anh khóc ròng. Chị không thể nghĩ cuộc đời mình lại bi thương đến thế.

Ngôi nhà hai mẹ con chị lại trở về vẻ quạnh quẽ, hiu hắt giống như lúc anh chưa xuất hiện. Nhiều đêm trắng chị khóc ướt đẫm gối, nhìn cô con gái bé dại ngủ, lòng dạ không sao vợi bớt chua xót.

Cũng đúng mùa bão năm đó, ngôi nhà của chị đổ ập. Đi làm về, hai mẹ con ngơ ngác nhìn đống hoang tàn trơ trọi còn sót lại. Lúc này, chị mới thấy thấm thía sự mất mát trong đời mình. Ngôi nhà vợ chồng chị vẫn thường nắc nỏm trong những ngày anh còn sống, rằng hai vợ chồng sẽ làm lụng, đợi sang năm cất lại ngôi nhà cho vững trãi, kiên cố. Vậy mà…

Mẹ con chị nương cậy vào anh trai cả. Có điều, anh trai chị bị bệnh hen xuyễn, quanh năm ngày tháng chỉ quanh quẩn ở nhà, không đủ sức lao động nên cũng phải trông cậy nhiều vào vợ. Chị dâu P vốn là người phụ nữ đáo để, ghê gớm. Nhiều phen mẹ con P bị chị xỉa xói vì cái tội “ăn bám” vào gia đình họ. Không thể ở nhà mãi, P gửi con gái 10 tuổi ở nhà với anh chị, một thân một mình chị xuống Hà Nội kiếm việc làm, lấy tiền nuôi con và trang trải cuộc sống sau này.
 

Sa lầy và hi vọng đường về

Bùi Thị P cả đời chưa bước chân ra khỏi vùng đất Yên Thủy - Hòa Bình, chị xuống Hà Nội mà ngơ ngác như lạc vào một chốn khác. Chị làm đủ công việc, từ rửa bát thuê cho một hàng cơm bụi, cho tới bán rau thuê cho cửa hàng nhỏ…mỗi ngày được trả 10 nghìn đồng. Thấy P quê mùa, thật thà, người buôn hình như vì đó mà bắt chẹt chị. Cầm 10 nghìn trên tay, P rưng rưng khóc, vì đối với mẹ con chị, 10 nghìn đã là một khoản tiền không hề nhỏ, “có thể mua sắm được khối thứ” như cách nói hớn hở mà chua xót của chị.

Những đêm muộn sau giờ làm, P một mình lang thang tìm đường về ngôi nhà trọ ẩm thấp đủ cho một người chui rúc, vội vã gặm chiếc bánh mỳ cứng còng queo hạ giá và đau đáu nỗi nhớ con. P bảo đến đường về nhà chị cũng chẳng nhớ. Lần nào ki cóp đủ tiền xe, tiền rau cháo cho con, trên đường về nhà chị đều phải hỏi thăm đường, lạc tới lui mới tìm được đúng nhà mình. Con gái chị lần nào thấy mẹ về cũng rưng rức, biết con ở nhờ gặp phải sự khó dễ của bác dâu, nhưng hoàn cảnh hai mẹ con buộc phải vậy, P không có sự lựa chọn khác.

Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, chị lang thang trên đường vào cái lúc 12 giờ đêm, sau khi rửa bát thuê ở cửa hàng quen thuộc. Trong người vẻn vẹn 50 nghìn, không giấy tờ tùy thân, P ngơ ngác trèo lên xe một người đàn ông đi xe máy và họ dẫn P tới một nơi nào đó mà chị không đọc được biển hiệu. Rồi sau đó, chị bị công an bắt giữ khi đang “hành sự”, ngơ ngác không hiểu phạm tội gì.

Cho tới khi bước chân vào trung tâm giáo dục lao động xã hội số 2 Ba Vì, được các cán bộ ở đây giảng giải chị mới biết hành vi tội lỗi của mình. P khóc thất thanh như đứa trẻ bị giật quà, gọi tên con gái trong vô vọng.

Bùi Thị P bảo vào trung tâm chẳng thiếu thốn thứ gì. Chị nằm trong số trường hợp không có người nhà thăm nom, nhưng bù lại P được trung tâm bao bọc, được những người phụ nữ cùng cảnh ngộ bao bọc, sẻ chia gói dầu gội, ít bột xà phòng, miếng cơm, gói quà…nhưng nỗi nhớ con luôn thổn thức trong lòng chị.

Đời chị đã quen sống trong thiếu thốn, nhưng có một thứ dù có chết chị cũng không thể đánh mất: đứa con gái bé bỏng của chị. Đó là niềm hi vọng duy nhất và lớn nhất soi đường cho chị tìm lại lối về.

  • Mộc Nhân
     
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc