Trẻ bị mụn nhọt ở tay phải làm sao?

( PHUNUTODAY ) - Khi trẻ bị mụn nhọt ở tay thì mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ, không nên tự ý nặn hoặc mua thuốc cho trẻ uống thì rất nguy hiểm.

Nguyên nhân trẻ bị mụn nhọt ở tay

Mụn nhọt, nhất là các nhọt đầu đinh, là một nhiễm khuẩn cấp tính do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) gây ra. Các cầu khuẩn này thường có sẵn trên da nhưng không gây bệnh. Về mùa hè nóng bức, mồ hôi ra nhiều nhớp nháp trên da, gây nổi rôm sảy, ngứa gãi, làm ảnh hưởng đến lớp sừng.

Tụ cầu có điều kiện thuận lợi chui sâu xuống các tổ chức ở dưới, phát triển và gây bệnh. Chúng chui vào các nang lông, gây viêm nang lông và tiết ngoại độc tố làm hoại tử các tế bào chung quanh nang lông, tạo thành ngòi của những nhọt đầu đinh.

tri-mun-nhot-cho-tre
Mụn nhọt ở tay trẻ do vi khuẩn gây ra

 Lúc đầu, trên da xuất hiện một nốt đỏ bằng hạt đỗ. Nốt này lớn dần lên, vùng da chung quanh cũng đỏ tấy và rất đau. Đến ngày thứ 3 hoặc thứ 4, nhọt bắt đầu mềm, giữa nhọt xuất hiện một mụn mủ nhỏ. Sau đó nhọt vỡ, ở chỗ mụn mủ chảy ra mủ và cả cái ngòi trắng xanh hơi xốp, để lại một hố lõm sâu. Chỗ lõm này sẽ đầy lên nhanh chóng và nhọt sẽ khỏi trong vòng 8-10 ngày.

Những trẻ em cơ thể suy yếu, không đủ sức chống đỡ với vi khuẩn có thể bị nhọt liên tiếp; nhọt này vừa khỏi nhọt khác lại mọc lên, có khi gây ra các biến chứng nguy hiểm (viêm thận cấp, nhiễm khuẩn huyết...). Nhọt mọc ở những vị trí đặc biệt như môi trên, cánh mũi có thể gây biến chứng nặng như viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, đe dọa tính mạng người bệnh.

Có những trường hợp nhiều nhọt mọc cạnh nhau thành cụm, kết hợp với nhau thành một mảng đỏ lớn rất đau. Trong mảng đỏ này có nhiều nhọt, khi vỡ ra thành nhiều lỗ sâu lỗ chỗ như gương sen hoặc tổ ong, dân gian gọi là nhọt tổ ong (anthrax). Trẻ rất đau, toàn trạng nặng; sốt cao, quấy khóc nhiều, dễ có biến chứng.

Phải làm sao khi trẻ bị mụn nhọt ở tay

- Đa số mụn nhọt sẽ tự khỏi và mẹ chỉ có thể tác động để tăng tốc quá trình bằng cách đặt một cái khăn ấm sạch lên trên mụn nhọt trong vài phút rồi lặp lại 3-4 lần trong ngày.

- Khi mụn nhọt bưng mủ, mẹ nên lau sạch và vệ sinh nó bằng chất khử trùng rồi băng nó lại bằng một miếng gạc vô trùng. Khi mụn nhọt bưng mủ, phải thật cận thận để vệ sinh sạch sẽ và tránh không cho nó dính sang những bộ phận khác của cơ thể bé. Để chặn đứng tình trạng lây lan của mụn nhọt, hãy năng thay băng thường xuyên cho bé và ném chúng đi ngay sau khi dùng xong.

- Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chạm vào mụn nhọt, nhất là khi mụn nhọt bị vỡ ra. Cho bé dùng khăn lau mặt riêng, đồng thời thường xuyên giặt khăn lau măt, ra giường, khăn tắm ở nhiệt độ cao.

5
Vệ sinh cho trẻ trước khi chạm vào vùng mụn nhọt

- Nếu tình trạng mụn nhọt không có dấu hiệu cải thiện trong 2 tuần, mẹ nên đưa bé đi khám để có hướng điều trị thích hợp.

- Trong trường hợp mụn nhọt kéo dài hay sưng to thì bé có thể đã bị viêm tế bào. Điều này là do tình trạng nhiễm trùng đã xâm nhập vào lớp da sâu hơn và bé sẽ cần dùng đến kháng sinh để điều trị.

Cách phòng ngừa mụn nhọt ở trẻ

– Giữ vệ sinh tốt: Giặt giũ, tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn sẽ giúp bé tránh được mụn nhọt. Khi bé bị trầy xước hay đứt tay, nhanh chóng rửa tay cho bé đúng cách và luôn để mắt đến bé.

– Dinh dưỡng lành mạnh: Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp cho hệ miễn dịch cuả bé mạnh khỏe hơn, đủ sức chống lại mấy “anh” khuẩn tụ cầu. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ nên cho trẻ bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời để giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Như vậy mẹ đã có thể biết được từ nguyên nhân cũng như cách trị mụn nhọt ở trẻ sơ sinh & trẻ nhỏ an toàn ngay tại nhà, các mẹ nhớ có biện pháp phòng ngừa tích cực để không để bé xuất hiện các vết mụn nhọt khó chịu này nhé.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link