Trùm tình báo Mỹ đi... "gánh nước" ở Triều Tiên

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trùm tình báo Mỹ James Clapper nói nhiệm vụ giải cứu 2 tù nhân Mỹ ở CHDCND Triều Tiên giống như ông phải "đi gánh nước".

Trùm tình báo Mỹ James Clapper nói nhiệm vụ giải cứu 2 tù nhân Mỹ ở CHDCND Triều Tiên giống như ông phải "đi gánh nước".  Có lúc ông ngỡ sẽ phải ra về tay không, chẳng thể hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt do Tổng thống Mỹ Barack Obama giao cho: đem hai tù nhân về với tự do, theo báo The Wall Street Journal (WSJ).

3 giờ chiều 8/11, một cán bộ Triều Tiên đến Nhà khách chính phủ ở Bình Nhưỡng, để báo đoàn của Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ (DNI) Clapper thu dọn hành lý. Được giao điệp vụ bí mật trả tự do cho hai tù nhân Mỹ, ông Clapper lúc đó nghĩ ông bị đuổi về Mỹ và trắng tay...

Lời mời không bất ngờ gởi đến Washington

Nhưng kết quả lại là Clapper trở về cùng hai tù nhân được Triều Tiên trả tự do là Kenneth Bae và Matthew Miller.

Bae là nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn Quốc, bị Triều Tiên bắt năm 2012, bị kết án 15 năm tù hồi năm 2013 vì bị cáo buộc âm mưu tổ chức một cuộc nổi loạn tôn giáo. Bae từng hai lần phải vào bệnh xá vì yếu sức.

Miller, 24 tuổi, bị Triều Tiên bắt vào tháng 4/2014 khi anh xé visa để có dịp trải nghiệm cuộc sống trong tù, nhằm điều tra về tình hình nhân quyền của Triều Tiên. Bị buộc tội gián điệp và có “hành động thù địch”, anh bị kết án sáu năm cải tạo lao động.

Trước đó vào ngày 21/10, Triều Tiên đã trả tự do cho một công dân Mỹ khác là Jeffrey Fowle, bàn giao cho các quan chức Mỹ sau 5 tháng ông bị giam ở Triều Tiên. Ông bị bắt vào tháng 5, sau khi bỏ lại một quyển kinh thánh ở câu lạc bộ thủy thủ ở thành phố Chongjin.

Fowle, 56 tuổi, được chủ chỗ làm cho tiếp tục làm việc, với điều kiện ông không được đi “quậy” ở Triều Tiên nữa.

Trong những cuộc trả lời phỏng vấn của hai hãng tin AP và CNN hồi tháng 9 và được Triều Tiên cho phép, cả 3 tù nhân Mỹ này đều nói họ vi phạm luật pháp nước này, được đối xử hợp lý trong thời gian bị giam giữ, và họ yêu cầu có một quan chức cấp cao Mỹ thăm Triều Tiên để vận động cho họ được tự do.

Việc Triều Tiên thả Fowle báo hiệu với chính phủ Mỹ, rằng “có cửa” Bae và Miller cũng sẽ được thả.

Trước đó khoảng đầu tháng 11, Triều Tiên gởi lời đến Mỹ, rằng họ có ý tiếp một đoàn đại biểu Mỹ do một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ làm người dẫn đầu, để bàn việc trả tự do cho hai tù nhân Mỹ, trước khi diễn ra hai sự kiện quốc tế lúc giữa tháng 11 là hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh và hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Úc.

Mô tả ảnh.
Miller sau khi bị Triều Tiên tuyên án.

Trùm tình báo nói đi sứ giống "đi gánh nước"

Clapper là trùm tình báo Mỹ duy nhất được mời đến Triều Tiên, và ông đã kể lại dịp biết thêm về một đất nước khép kín mà suốt nhiều năm, Mỹ cố công tìm hiểu, với WSJ.

Nhà Trắng giao việc cho Clapper, vì ông là quan chức cấp cao, dù không phải thuộc chính phủ hoặc là nhà ngoại giao. Ông trùm DNI từng là sĩ quan tình báo quân đội ở Hàn Quốc hồi giữa những năm 1980, hiện tiếp tục quan tâm đến bán đảo Triều Tiên.

Nhưng Clapper nói thăm Triều Tiên là “một dạng lao động khổ sai, giống như đi gánh nước, dành cho tôi”.

Ngày 3/11, Clapper bay đến Canada để họp với đồng nhiệm nước này, và trước khi máy bay hạ cánh, ông nhận cú điện báo chuyến đi Bình Nhưỡng đã sẵn sàng.

Tối hôm ấy, ông cắt ngắn chuyến công tác để về Washington, họp chiến lược “nói gì và không nói gì” ở Nhà Trắng.

Mô tả ảnh.
Trùm tình báo Mỹ Clapper đến Nhà Trắng nhận lệnh.

2 giờ sáng 4/11, Clapper được đưa đến căn cứ không quân Andrew, sẵn sàng bay đến Triều Tiên. Nhưng vì trục trặc trong khâu bảo trì máy bay, chuyến bay bị hoãn những một ngày rưỡi. Đoàn Mỹ chỉ đến Bình Nhưỡng lúc 19 giờ tối 7/11 (giờ Triều Tiên).

Chuyến đi được giữ bí mật, vì sợ công bố sẽ làm hỏng cuộc đàm phán. Clapper kể: “Còn có nỗi lo vụ này bị xì cho báo chí biết trong thời gian chờ sửa máy bay”.

Ra đón đoàn Mỹ là Bộ trưởng Công an Triều Tiên, tướng Kim Won- hong, và chuyến xe 45 phút về Nhà khách Chính phủ ở Bình Nhưỡng khiến ông Clapper ngỡ là “dài thăm thẳm”.

Ngay trong xe, cuộc đàm phán diễn ra lập tức. Ông kể quan chức Triều Tiên xem ra thất vọng khi ông đến mà không có thái độ khúm núm nào: “Họ kỳ vọng một sự đột phá lớn, rằng tôi sẽ đưa ra đề nghị lớn nào đó, một sự công nhận, một thỏa ước hòa bình gì gì đó. Dĩ nhiên tôi đến không phải vì những việc đó, nên họ thất vọng. Tôi cứ thế mà xử sự”.

Nhưng Triều Tiên cũng chẳng yêu cầu điều gì đặc biệt để đổi lấy tự do cho Bae và Miller.

Tiệc chiêu đãi 12 món đặc sản Triều Tiên

Từ Nhà khách, đoàn Clapper (gồm một trợ lý và một bác sĩ) được mời ăn nhà hàng, cùng với tướng  Kim Young-chol, lãnh đạo tình báo Triều Tiên.

Họ được chiêu đãi những 12 món ngon của Triều Tiên, gồm hải sản, thịt gà, rau xà lách và dưa cải kim chi, bia và rượu.

Vừa ăn vừa nói chuyện, Clapper biết Bình Nhưỡng đã tìm hiểu mọi thông tin về ông, kể cả việc vị cựu trung tướng không quân Mỹ này đã bay bao nhiêu phi vụ ở Đông Nam Á từ năm 1970 đến 1971.

Suốt bữa ăn 3 giờ, cuộc nói chuyện giữa Clapper với các cán bộ lão thành Triều Tiên đúng là “cãi nhau như mổ bò”, về những hành vi mà mỗi bên đều xem là đòn khiêu khích, như chuyện Mỹ tập trận ở Hàn Quốc, Triều Tiên phóng tên lửa.

Bữa tiệc tàn lúc 23 giờ 15, Clapper họp vội với đoàn tháp tùng, và quyết định “triển khai thư của tổng thống”, vì ông không được chủ nhà báo lịch làm việc hôm sau, và ông không biết phải gặp ai.

Tướng Kim Young-chol hơi lùi ra phía sau khi Clapper đưa lá thư viết bằng tiếng Anh, giới thiệu ông là “đặc sứ của Tổng thống Mỹ” và hoan nghênh việc Triều Tiên muốn thả hai tù nhân là “cử chỉ đẹp”, chứ không có lời xin lỗi thay cho Bae và Miller.

Sáng hôm sau, Clapper yêu cầu cho ông và bác sĩ được gặp hai tù nhân, nhưng các quan chức Triều Tiên để mặc ông ở Nhà Khách, không hề thông báo kế hoạch làm việc nào.

Trùm DNI ở riết trong phòng. Ông không đem theo nhiều vật dụng cá nhân, không mang sách đọc, nên chỉ còn cách liếc qua hai tạp chí tuyên truyền, tuyền hình phụ nữ Triều Tiên đang hái táo, chế biến hải sản….

Trùm DNI bị Triều Tiên "lột hàm đặc sứ"

Đến trưa. Một cán bộ Triều Tiên thông báo với Clapper, rằng Bình Nhưỡng “giáng cấp” của ông, không xem ông là đặc sứ của Tổng thống Obama nữa, vì ông chỉ đến Triều Tiên nhằm đón 2 tù nhân Mỹ.

Vì ông bị “giáng cấp”, cán bộ này bảo chính phủ Triều Tiên không còn bảo đảm an toàn cho Clapper.

3 giờ sau, một cán bộ khác đến nói với đoàn Mỹ rằng họ chỉ có 20 phút để dọn hành lý về Mỹ. Đoàn được đưa đến khách sạn Koryo, vào một phòng lớn gặp vài cán bộ Viện kiểm sát Triều Tiên. 

Sau lưng các cán bộ này là Bae và Miller mặc áo tù. Mỗi tù nhân đều có hai lính Triều Tiên kè kè. Tướng Kim Won -hong vào phòng, mọi người đứng lên như để chào một thẩm phán.

Vị tướng đọc lá thư của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, có nội dung ân xá cho Bae và Miller. Rồi ông quay qua Clapper, nói ông hy vọng sau này sẽ có cuộc đối thoại Triều-Mỹ, nhưng không phải về chuyện tù nhân này.

Hai người đàn ông bắt tay nhau. Clapper cảm ơn tướng Kim. Bae và Miller cởi bộ quần áo tù, mặc bộ quần áo cũ của họ rồi nhập đoàn Mỹ, lên một chiếc xe ra sân bay.

Clapper còn nghe một giọng điệu “nóng nảy” hơn từ một cán bộ trẻ được phân công nói chuyện với ông, đi cùng ông trong chuyến xe 40 phút, khi chuyến đi kết thúc. 

Clapper nói cán bộ này bày tỏ sự tiếc nuối hai miền Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn bị chia đôi, và hỏi ông có trở lại Bình Nhưỡng hay không.

Ông đáp sẽ trở lại nếu lại được mời: “Tôi có nghĩ có tiềm năng trong tương lai sẽ có sự thay đổi và đối thoại”.

Ông nói thêm lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, 31 tuổi, có thể hợp với các trợ lý cùng thế hệ, thay vì những “cụ” cán bộ đang làm quân sư cho Kim:

“Tôi nghĩ có thể lạc quan. Thế hệ già ở Triều Tiên sau Kim sẽ không thay đổi gì đâu”.

Các quan chức Mỹ nói điệp vụ này (chỉ có vài quan chức chính phủ Tổng thống Barack Obama biết cho đến khi Clapper trở về) không có nghĩa có sự thay đổi trong chính sách đối với Triều Tiên.

Các quan chức quân sự Mỹ xác nhận trong 2,3 tháng qua, Đại tướng trẻ Kim có thái độ bớt hung hăng, so với những hành động của Bình Nhưỡng trong vài năm qua. Nhưng một quan chức cấp cao Mỹ nói: “Không thể nói trước gì được. Có thể sẽ lại có thay đổi”.

Khi Kim kế nhiệm ngôi lãnh đạo từ người cha Kim Jong-il hồi năm 2011, ban đầu Mỹ hy vọng ông sẽ đem tới tư tưởng thoáng, trẻ trung hơn. Nhưng các hành động quân sự cứng rắn của Kim, gồm thử tên lửa để khiêu khích, đã khiến Mỹ phải nghĩ ngược lại.

Clapper không thích kể nhiều về chuyến bay trở về: Bae và Miller ngồi ở phần trước máy bay, cùng bác sĩ. Ông ngồi phía sau, không nói chuyện với hai người Mỹ ấy.

Họ hạ cánh ở một căn cứ quân sự gần Seattle tối 8/11, gia đình hai người Mỹ chờ Bae và Miller trên đường băng… từ buồng lái, Clapper theo dõi cuộc đoàn tụ, rồi ông bay về Washington báo cáo tổng thống….

Ảnh hiếm Góa phụ trắng - nữ khủng bố nguy hiểm nhất thế giới
Một tờ báo Nga mới cho hay, Góa phụ trắng, nữ khủng bố nguy hiểm nhất thế giới, đã bị bắn chết khi đang tham chiến ở miền đông Ukraine.
Theo:  khoevadep.com.vn