Từ khi mẹ Hải sinh em Bi đến nay đã hơn 3 tháng, Bống ít khi chơi với em. Mỗi khi mẹ bế em nựng trước mặt Bống hoặc chìa ra cho chị bế em thì Bống đều ngúng nguẩy chạy ra chỗ khác.
Khi Bi được 1 tuổi, bà ngoại về quê. Không có điều kiện thuê người giúp việc nên mẹ Hải vừa làm may ở nhà, vừa trông con, lại còn thêm việc nhà nữa khiến mẹ Hải luôn căng thẳng, dễ nổi cáu. Điều rất vô lý của chị Hải là những lúc hai chị em Bống chơi với nhau, hễ cậu em khóc thì thế nào lỗi ban đầu cũng là do chị. Thậm chí có hôm Bống đang ngồi chơi búp bê, bé Bi đòi đồ chơi của chị không được, lăn đùng ra khóc thế là Bống lại bị mẹ cho “ăn” đòn.
Một lần chị Hải có việc gửi con sang nhà chị bạn. Một lúc sau, chị bạn đã gọi điện giọng hốt hoảng:
-Hải à, Bống có vẻ ghét em Bi hay sao ấy. Tớ vừa quay vào bếp nấu ăn, để mấy đứa nhỏ chơi với nhau, lúc quay ra đã thấy Bống tát cu Bi rất mạnh. Vẫn còn hằn cả mấy vết tay trên mặt thằng bé này. Cậu có phân biệt đối xử hay thiên lệch với con không mà để Bống có hành vi như thế?
Cuộc điện thoại của chị bạn khiến chị Hải ngây người suy nghĩ và thấy trong việc này có lỗi của mình. Nhiều khi chị đã “xử ép” Bống khiến con nghĩ rằng mọi nguyên nhân Bống bị mẹ mắng, đánh đòn đều là do sự có mặt của cậu em và bé trút những uất ức của mình vào đó.
Khi gia đình bạn sắp có em bé thứ 2, với cha-mẹ đó là niềm vui, nhưng đối với trẻ đó lại là một thử thách vì tâm lý khi đó trẻ luôn có cảm giác bị cha mẹ bỏ rơi. Nếu bạn không biết cách đối xử công bằng mà thường xuyên “xử ép” trẻ thì tâm lý đang bị cha mẹ bỏ rơi càng choán trong suy nghĩ non nớt của trẻ.
Khi sắp có em bé thứ hai, bạn rất cần tâm sự hàng ngày với trẻ để con hiểu rằng tuy cha mẹ bận chăm sóc em nên ít thời gian cho con nhưng cha mẹ vẫn yêu thương con, để giúp bé loại bỏ suy nghĩ bị bỏ rơi ra khỏi đầu.