Từ 1/7: “Đổi tình lấy chức” sẽ bị xử lý hình sự

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hành vi "hối lộ tình dục", "đổi tình lấy chức"...sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật từ ngày 1/7/2016.

Trong ba ngày (từ ngày 12 đến 14-5), TAND Tối cao tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với 63 điểm cầu của 63 tỉnh/thành phố tập huấn các bộ luật: Hình sự, Dân sự, Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Không xử hình sự hành vi tảo hôn

Liên quan đến việc thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết kể từ 9-12-2015 cơ quan tố tụng không xử lý hình sự đối với một số hành vi vi phạm. Đó là người thực hiện hành vi tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.

Cạnh đó, người có hành vi chuẩn bị phạm các tội ngoài các tội danh quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS 2015 cũng không bị xử lý hình sự. Chẳng hạn, biết người bị hại mới bán xe ô tô được 600 triệu đồng và cất trong két sắt, bị cáo có ý định trộm cắp số tiền này nên đã chuẩn bị khoan, kềm cộng lực, thang dây… Việc chuẩn bị công cụ, phương tiện để trộm cắp của bị cáo bị phát hiện, bắt giữ. Trường hợp này, người thực hiện hành vi phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội trộm cắp tài sản.

Nhiều người thoát án tù nhờ luật mới

Ngoài ra, kể từ 9-12-2015 cơ quan tố tụng cũng không xử lý hình sự đối với người thực hiện hành vi mà theo quy định của BLHS 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của BLHS 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố định tội và cấu thành tội phạm đó.

Ví dụ, một người chưa bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc đã bị kết án nhưng đã được xóa án tích mà có hành vi đánh bạc trái phép được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5 triệu đồng thì không phải chịu TNHS về tội đánh bạc.

Đối với các trường hợp trên, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 BLHS 1999 miễn TNHS đối với người phạm tội. Nếu người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại. Nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành án phạt tù thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Trường hợp đã chấp hành hình phạt hoặc được miễn chấp hành hình phạt thì đương nhiên được xóa án tích…

Từ 1/7: “Đổi tình lấy chức” sẽ bị xử lý hình sự
Ảnh minh họa

Dùng lợi ích phi vật chất hối lộ cũng bị tội

Tại hội nghị, TS Trần Văn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính Bộ Tư pháp, lưu ý: BLHS 2015 bổ sung vào cấu thành của một số tội phạm về chức vụ liên quan đến hành vi tham nhũng trong khu vực tư (ngoài Nhà nước). Ví dụ tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, tội môi giới hối lộ và tội đưa hối lộ. Bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với tội đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công...

Ngoài lợi ích vật chất, BLHS 2015 đã bổ sung hành vi đưa, nhận hoặc môi giới hối lộ “lợi ích phi vật chất” trong các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ… Ví dụ: Khoản 1 Điều 354 tội nhận hối lộ quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù 2-7 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác… b) Lợi ích phi vật chất.

Tương tự, điểm b khoản 1 Điều 364 và điểm b khoản 1 Điều 365 (tội đưa hối lộ và tội môi giới hối lộ) cũng quy định người nào đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ bằng lợi ích phi vật chất cũng bị tội.

Như vậy, người đưa, môi giới hoặc nhận “hối lộ tình dục”, “đổi tình lấy chức”… cũng bị xử lý hình sự như nhận tài sản, tiền bạc.

Ngoài ra, từ 1/7/2016, nếu sa thải người lao động trái pháp luật sẽ bị phạt tù đến 3 năm

Đây là một nội dung được quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới nhằm giảm tình trạng lợi dụng chức vụ vi phạm pháp luật lao động đối với người lao động.

Theo đó, Điều 162 của Bộ Luật Hình năm 2015 quy định rằng, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà thực hiện một trong các hành vi sau đây làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, trong 3 trường hợp:

- Ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức;

- Sa thải trái pháp luật đối với người lao động;

- Cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc.

Bên cạnh đó, Điều 162 cũng nêu rõ, người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 3 năm:

- Đối với 2 người trở lên;

- Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

- Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

- Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát.

Ngoài hình phạt trên, Luật còn có chế tài bổ sung là người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tìm ra nguyên nhân, sai phạm vụ cần cẩu đè sập trường mầm non
Tìm ra nguyên nhân, sai phạm vụ cần cẩu đè sập trường mầm non
(Xã hội) - (Phunutoday) - Sau sự cố, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra tìm ra nguyên nhân và hàng loạt sai phạm của dự án Toplife Tower...
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn