Ukraine "tố" Nga tập kết 80.000 quân, Obama cảnh báo Nga phải trả giá

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Ukraine cáo buộc Nga đã triển khai hơn 80.000 quân, 270 xe tăng và 140 máy bay chiến đấu gần biên giới Ukraine. Trong khi đó, tổng thống Obama cảnh báo sẽ buộc Nga phải trả giá.

Ukraine cáo buộc Nga tập kết 80.000 quân gần biên giới

Reuters đưa tin, ngày 12/3, Ukraine đã cáo buộc Nga tăng cường hoạt động quân sự quy mô lớn gần biên giới hai nước, một động thái làm gia tăng căng thẳng.

Mô tả ảnh.
Hình ảnh được cho là xe quân sự Nga đang trên đường tới thành phố Donetsk (Ukraine), gần biên giới với Nga. Ảnh: Daily Mail

Tuy nhiên, Moskva bác bỏ điều này.

Phát biểu với các phóng viên tại Kiev, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Andriy Parubiy cho biết Nga đã triển khai hơn 80.000 quân, 270 xe tăng và 140 máy bay chiến đấu gần biên giới Ukraine.

Ông Andriy Parubiy cho biết thêm quân Nga được bố trí ở các khu vực phụ cận với biên giới hai nước, một số lực lượng chỉ cách Kiev hai hoặc ba giờ chạy xe.

Trong khi đó, tại Moskva, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã bác bỏ việc tập trung lực lượng quân sự gần đường biên giới chung với Ukraine.

Ông cũng cho biết Moskva đã chấp nhận đề nghị từ phía Kiev tiến hành một chuyến bay giám sát trên lãnh thổ Nga để cho phía Ukraine tận mắt có thể thấy rằng "lực lượng vũ trang Nga không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào gần biên giới có thể đe dọa an ninh của Ukraine".

Ông Obama cảnh báo sẽ buộc Nga phải trả giá

Trong một diễn biến khác có liên quan, tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12/3 cảnh báo Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu tiếp tục can thiệp quân sự vào bán đảo Crimea. Tuyên bố này được ông Obama đưa ra trong cuộc gặp với Thủ tướng tạm quyền Ukraine, Arseniy Yatsenyuk tại Nhà Trắng.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk được coi là một động thái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chính phủ mới tại Ukraine. Tại cuộc gặp, Tổng thống Obama tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ buộc phải khiến Nga trả giá nếu Moscow xúc tiến trưng cầu dân ý nhằm tách bán đảo Crimea khỏi Ukraine. 

Tổng thống Obama cho biết, ông hy vọng những nỗ lực ngoại giao sẽ dẫn đến việc "suy nghĩ lại" đối với cuộc bỏ phiếu dự kiến được tổ chức vào Chủ nhật tới. Ông Obama nêu rõ, Mỹ sẽ không công nhận kết quả của bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào như vậy.

Mô tả ảnh.
Ông Arseniy Yatsenyuk hội đàm cùng Tổng thống Mỹ Obama.

Tổng thống Mỹ cũng cam kết hỗ trợ tài chính cũng như kỹ thuật cho Ukraine: “Tình hình kinh tế của Ukraine trở nên thách thức hơn bao giờ hết. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Yatsenyuk và đội ngũ của ông về gói hỗ trợ không chỉ giúp thúc đẩy các chương trình cải cách cần thiết bên trong Ukraine, mà còn giúp ổn định tình hình để người dân cảm thấy tin tưởng những nhu cầu cơ bản hàng ngày của họ được đáp ứng”.

Về phần mình, Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk nhấn mạnh, Ukraine sẵn sàng đối thoại với Nga nhưng sẽ không nhường bước trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Theo ông Yatsenyuk, Ukraine đang và sẽ là một phần của thế giới phương Tây nhưng vẫn là bạn và đối tác tốt của Nga.

Cùng ngày, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự luật về gói viện trợ kinh tế cho Ukraine và biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân Nga và Ukraine. Kế hoạch viện trợ cho Ukraine bao gồm khoản vay bảo lãnh 1 tỷ USD mà Mỹ đã tuyên bố trước đó, cộng thêm 150 triệu USD để thúc đẩy dân chủ và tăng cường an ninh tại đây. Một nhóm Thượng nghị sỹ Mỹ, đứng đầu là Thượng nghị sỹ John McCain cũng sẽ tới Kiev vào cuối tuần này để gặp các nhà lãnh đạo Ukraine.

Tuy nhiên, các biện pháp cứng rắn của chính phủ và Quốc hội Mỹ đang vấp phải sự phản đối của chính người dân Mỹ. Theo kết quả thăm dò ý kiến của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 56% người Mỹ cho rằng, Mỹ không nên can thiệp quá sâu vào tình hình Ukraine trong khi chỉ có 29% tán thành.

Theo:  
TIN MỚI CẬP NHẬT