Crimea tuyên bố tách khỏi Ukraine
Ngày 11/3, tuyên bố tách khỏi Ukraine được quốc hội Crimea thông qua trong phiên họp bất thường với tỷ lệ 78//100 phiếu tán thành. Quyết định này mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý về kế hoạch đưa Crimea sáp nhập vào Nga diễn ra vào ngày 16/3 tới.
Tuyên bố tách khỏi Ukraine được ký kết bởi Chủ tịch Hội đồng Tối cao Crimea, ông Vladimir Konstantinov, và sau đó được thông qua bởi Hội đồng thành phố Sevastopol, Yury Doynikov. Sau tuyên bố ngày 11/3, ông Konstantinov cho biết Crimea sẽ không bao giờ tái nhập với Ukraine.
Áp phích kêu gọi người dân tham gia bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý sắp tới ở Crimea. |
“Chúng tôi đã tán thành tuyên bố độc lập để làm minh bạch và hợp pháp cuộc trưng cầu dân ý sắp tới”, ông Konstantinov nói. “Crimea sẽ không thuộc Ukraine, cho dù Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovich trở lại nắm quyền. Chúng ta sẽ đi theo còn đường riêng và cố gắng thúc đẩy nhanh điều đó”.
Chỉ vài giờ sau đó, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov đã đưa ra tuyên bố sẽ không can thiệp vào Cộng hòa tự trị Crimea vì số phận của bán đảo này đã được quyết định tại Mátxcơva và rằng Kiev không muốn bị tiếp tục “hở sườn” ở phía Đông.
"Cái mà họ gọi là trưng cầu dân ý sẽ không diễn ra tại Crimea mà tại các văn phòng của Điện Kremlin", Tổng thống tạm quyền của Ukraine tuyên bố trong bài phỏng vấn độc quyền dành cho hãng tin AFP của Pháp.
Theo ông Turchynov, mọi sự can thiệp vào Crimea giờ đây đã trở nên vô nghĩa, dù rằng cuộc trưng cầu dân ý là hoàn toàn giả tạo do mọi kết quả đã được ấn định ở Mátxcơva.
“Ukraine sẽ không cố gắng thực thi các hành động quân sự nhằm ngăn cản việc ly khai của bán đảo Crimea, qua đó tránh đẩy khu vực phía Đông rơi vào tình thế nguy hiểm”, nhà lãnh đạo thân phương Tây nói.
Lý do giải thích của ông là “chúng ta không thể phát động chiến dịch quân sự tại Crimea vì sẽ làm "hở sườn" biên giới phía Đông và Ukraine sẽ không được bảo vệ”.
Phương Tây thất bại trong việc cô lập Nga
Trước đó, để giữ Crimea không rơi vào tay Nga, chính quyền lâm thời ở Kiev và phương Tây đã liên tiếp đưa ra các động thái cứng rắn, bao gồm các biện pháp trừng phạt Mátxcơva, song vẫn không lay chuyển được tình hình.
Mới đây, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua nghị quyết không ràng buộc kêu gọi Tổng thống Barack Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt với Nga. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã chuẩn bị xong phương án của mình với dự kiến sẽ bắt đầu áp đặt trừng phạt từ ngày 17/3, chỉ một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc Mỹ và phương Tây chỉ "trừng phạt hạn chế" vì không muốn tuyệt giao với Nga đã khiến kịch bản Crimea tách khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga là khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama buộc phải hướng về phía Đông. Tuy nhiên, kết quả thu được cũng không mấy khả quan.
Phương Tây thất bại trong việc cô lập Nga về Ukraine. |
Ngày 10/3, Tổng thống Obama đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine qua điện thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng không thể thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc xét lại quan điểm của Bắc Kinh.
Bắc Kinh cho rằng biện pháp trừng phạt của phương Tây chống Moscow là không thể chấp nhận. Ông Tập Cận Bình nói: “Trong vấn đề Ukraina, phía Trung Quốc giữ quan điểm khách quan và công bằng. Tình hình ở Ukraine là vô cùng phức tạp, trong hoàn cảnh hiện tại tất cả các bên cần kiềm chế, tránh các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng".
Cùng với Trung Quốc, Ấn Độ cũng không có ý định vội vàng tham gia mặt trận chống Nga do Mỹ lập ra. Theo tuyên bố của Cố vấn anh ninh Thủ tướng Ấn Độ Shivshankar Menon, "Nga có lợi ích hợp pháp tại Ukraine".
Trước tình trạng ngoại giao bế tắc như hiện nay, không ít người đã tỏ ra lo lắng xung liệu Mỹ và phương Tây có để cho xung đột nổ ra.