Khủng hoảng Ukraine: Xung đột cận kề vì ngoại giao bế tắc

12:43, Thứ ba 11/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Thượng viện Nga cho biết đã bác bỏ khả năng một cuộc chiến giữa Nga và Ukraina. Tuy nhiên, tình hình tại Ukraina đang dấy lên nguy cơ nội chiến giữa lực lượng thân và chống Nga, nhất là trong bối cảnh Crưm đang chuẩn bị trưng cầu dân ý về việc trở lại Nga vào ngày 16/3 tới đây.

Đối đầu căng thẳng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh 

Reuters đưa tin các nỗ lực ngoại giao đang rơi vào thế bế tắc. Tổng thống Nga Putin nói rằng Moscow không đứng đằng sau các sự kiện tại Crưm, nhưng Mỹ đã bác bỏ điều này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói với ông Putin rằng quan điểm của Nga về Ukraina vẫn mâu thuẫn với phương Tây, nhưng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã từ chối lời mời tới Nga vào hôm qua để tham vấn thêm. 

Ông Lavrov không cho biết vì sao ông Kerry từ chối lời mời tiến hành vòng đàm phán mới để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraina.

Đây được cho là cuộc đối đầu Đông – Tây căng thẳng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh tới nay, dù Washington sau đó có nói rằng trong tuần này có khả năng các ngoại trưởng sẽ có cuộc họp, nếu như Moscow cho thấy họ sẵn sàng "tham dự".

Trong khi đó, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cho biết họ đã điều máy bay do thám AWACS đã bắt đầu tiến hành nhiệm vụ trinh sát vào hôm nay, tại Ba Lan và Romania để theo dõi tình hình Ukraina.  

Mô tả ảnh.
Tàu khu trục USS Truxtun của hải quân Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Theo Reuters, trong ngày 11/3, Mỹ sẽ phát tín hiệu thể hiện sự quyết tâm bảo vệ các đồng minh NATO của mình gần đường biên giới của Nga bằng việc tiến hành các cuộc diễn tập huấn luyện quân sự chung đầu tiên trong khu vực này kể từ khi Kremlin can thiệp vào Ukraine.

Tại Biển Đen, ở phía bên kia vùng biển tiếp giáp với bán đảo Crimea, nơi các nhóm quân sự thân Nga đã giành quyền kiểm soát từ nhà chức trách Ukraine, tàu khu trục USS Truxtun của Hải quân Mỹ trang bị tên lửa dẫn đường với 300 thủy thủ sẽ tham gia cuộc diễn tập cùng với các tàu chiến của Romania và Bulgaria.

Ở phía Bắc tại Ba Lan, các máy bay chiến đấu Mỹ đang di chuyển đến căn cứ không quân Lask miền Trung để tiến hành cuộc diễn tập chung dự kiến có sự thị sát của tổng thống nước chủ nhà.

Mỹ nhấn mạnh cả hai cuộc diễn tập huấn luyện này đã được lên kế hoạch trước cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng chúng cũng là một tín hiệu cho thấy sự ủng hộ đối với các thành viên NATO vốn đang lo lắng rằng họ có thể là đối tượng tiếp theo bị Nga can thiệp sau Ukraine. 

Nguy cơ xung đột vũ trang 

Mặc dù hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Thượng viện Nga cho biết đã bác bỏ khả năng một cuộc chiến giữa Nga và Ukraina. Tuy nhiên, tình hình tại Ukraina đang dấy lên nguy cơ nội chiến giữa lực lượng thân và chống Nga, nhất là trong bối cảnh Crưm đang chuẩn bị trưng cầu dân ý về việc trở lại Nga vào ngày 16/3 tới đây.

Thủ tướng Crưm Sergei Aksyonov cho biết mọi công việc chuẩn bị cho khu vực này trở thành một phần lãnh thổ Nga đang được tiến hành.

Bán đảo này sẽ sẵn sàng sử dụng luật pháp của Nga trong vòng vài tháng trước khi bỏ phiếu ly khai, và Bộ Tài chính Crưm cho hay họ đang làm việc về lộ trình chuyển đổi từ đồng tiền hryvnia của Ukraina sang đồng rúp của Nga.

Chính quyền Ukraina và các lãnh đạo quốc tế, trừ Nga, bác bỏ tính hợp pháp của việc bỏ phiếu ly khai ở Crưm. Kiev đã ra lệnh bắt giữ các lãnh đạo tại Crưm thân Nga vào ngày hôm qua, tức là chỉ 6 ngày trước khi trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga.

Còn hãng tin RIA dẫn lời các nhà chức trách tại Crưm ở Ukraina đã bác bỏ khả năng đàm phán với chính quyền trung ương tại Kiev với lý do chính quyền này không hợp pháp.

Hãng thông tấn Interfax còn cho biết chính quyền Crimea đã cáo buộc Kiev "bán rẻ" đất nước Ukraine để đổi lấy các khoản tín dụng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Chính quyền Cộng hòa tự trị Crimea cho biết chính quyền Kiev sẵn sàng đáp ứng các điều kiện khác nhau của Phương Tây để nhận được hỗ trợ tài chính từ IMF , kể cả việc cung cấp lãnh thổ để triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) và tăng mạnh phí dịch vụ công cộng.

Mô tả ảnh.
Cộng hòa tự trị Crưm thành lập quân đội riêng. Ảnh: RT

Phó Thủ tướng Cộng hòa Crimea Olga Kovitidi cho biết thỏa thuận sơ bộ ký ngày 2/3 giữa chính quyền mới ở Kiev với IMF liên quan tới hỗ trợ tài chính, trong đó có việc chuyển toàn bộ hệ thống vận tải của đất nước cho một công ty Mỹ sau khi ký thỏa thuận cơ bản. Công ty nước ngoài cũng sẽ kiểm soát hoạt động khai thác than ở Donbass.

Trong khi đó, dù Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời của Ukraina cho hay việc triển khai quân đội Ukraina tại miền tây chỉ là để tập trận quân sự và không liên quan tới việc Crưm đòi ly khai, nhưng nhiều nhà quan sát lo ngại động thái này có thể khiến chiều hướng khủng hoảng ngả theo hướng xung đột quân sự.

Reuters đưa tin các nhà hoạt động Ukraina cố tìm cách đi vào Crưm để tìm cách bày tỏ sự ủng hộ với phe đối lập, nhưng họ đã bị các lực lượng vũ trang thân Nga chặn lại. Một trong số đó đã nổ súng ở cự ly gần, và bạo lực xảy ra.

Cùng lúc đó, một quan chức quốc phòng Ukraina cho biết lực lượng vũ trang thân Nga đã nổ súng chỉ thiên khi họ kiểm soát một căn cứ hải quân Ukraian gần thị trấn Bakhchisaray. Không có ai bị thương trong sự kiện này, nhưng nhiều người lo ngại rằng giữa lực lượng thân và chống Nga có thể bùng phát đụng độ.

Hãng truyền hình Nga cho hay Cộng hòa Tự trị Crưm cũng đã thành lập lực lượng quân đội riêng của mình khi các đơn vị tự vệ của họ chính thức tuyên thệ vào hôm qua, 10/3. Nhiệm vụ của lực lượng tự vệ này là đáp trả mọi hành động gây hấn của chính quyền trung ương Kiev.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông
TIN MỚI CẬP NHẬT