Giới chức cho biết, ông Nguyễn Bá Thanh mắc chứng bệnh rối loạn sinh tủy, đồng thời bác bỏ thông tin bên lề cho rằng Trưởng Ban Nội chính Trung ương bị đầu độc.
Một số nhà quan sát trong nước cho rằng, việc dư luận tỏ thái độ quan tâm đặc biệt đối với tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban Nội chính Trung ương được coi là chưa có thông lệ ở Việt Nam.
"Ông Nguyễn Bá Thanh là con người cống hiến, và được nhân dân tin yêu, đặc biệt là trong công tác phòng chống tham nhũng của đất nước, kể từ khi ông đảm nhiệm cương vị mới", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một nhà quan sát chính trị trong nước bình luận.
Tướng Thước cũng cho biết thêm, hiện tại công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam được rất nhiều người dân quan tâm. Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thanh vào "ghế nóng" cùng với sự kỳ vọng góp sức trong công tác phòng chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV - vấn đề được người ta chú ý đến nhiều cũng là chuyện dễ hiểu.
"Trước đây, khi còn ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh là người có công lớn trong xây dựng thành phố. Còn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ít có ai dám nói thẳng, nói thật như ông ấy, bởi đó là vấn đề có phần nhạy cảm. Nhưng quan trọng là ông ấy nói được, làm được, gần gũi với nhân dân và được nhân dân tin yêu. Còn nếu nói một đường làm một nẻo thì bất tín", Tướng Thước phân tích.
Ông Nguyễn Bá Thanh. |
Dưới góc nhìn tâm lý, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho rằng, việc nhiều người dân quan tâm đến sức khỏe của một vị lãnh đạo Trung ương như ông Nguyễn Bá Thanh cho thấy, người dân đặt niềm tin vào trách nhiệm, hay nhiệm vụ và khả năng thực hiện công việc của vị lãnh đạo ấy.
"Niềm tin của nhân dân dành cho Trưởng Ban Nội chính Trung ương được xây dựng dựa trên sự quan tâm, cảm xúc, sự ngưỡng mộ, và cả sự tin tưởng vào việc xử lý các vấn đề chính trị - xã hội, hay sự thể hiện của vị lãnh đạo ấy trong cuộc sống. Ở một số quốc gia, việc này là điều khá bình thường, nó cho thấy sự nỗ lực hoặc sự minh chứng về khả năng hay phẩm chất đạo đức, trí tuệ của vị lãnh đạo trong quá trình làm việc cũng như sự cảm nhận của người dân, mà cụ thể là một nhóm người hay một nhóm đông nào đó", PGS.TS Huỳnh Văn Sơn phân tích.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cũng cho rằng, đây là một biểu hiện tích cực trong xã hội cần được nhìn nhận là điều bình thường. Tuy nhiên nó sẽ trở thành thách thức cho người được sự tin tưởng tưởng hoặc những người khác hay thế hệ kế tục.
Ông Nguyễn Bá Thanh trong một lần tặng quà mừng năm mới cho người cao tuổi (ảnh: Dân trí) |
Việc tin tưởng vào một cá nhân là hiện tượng tâm lý xã hội đặc thù, nhưng cần nhìn nhận, cá nhân đó đặt trong một nhóm, một guồng máy hoạt động…Sự kỳ vọng hay niềm tin vào một cá nhân nên được xem xét sẽ trở thành một động lực để các cá nhân khác trong cùng một guồng máy sẽ nỗ lực cố gắng phấn đấu.
"Việc phòng chống tham nhũng bắt đầu từ trách nhiệm của mỗi cá nhân (từ bản thân mình) và vai trò của người lãnh đạo. Đầu tàu sẽ hoạt động hiệu quả khi các toa tàu đoàn kết lại", PGS.TS Sơn ví von.