Người Việt từ xưa đã có tục lệ thực hiện cúng tế 49 ngày cho người đã khuất, thế nhưng không phải ai cũng hiểu ý nghĩa thực sự của ngày này là gì. Nhiều người thắc mắc không biết vì sao người Việt chỉ cúng 49 ngày cho người đã khuất mà không cúng vào các ngày khác.
Vì sao lại cúng 49 ngày?
Theo thuyết của Phật giáo, sau khi người đã khuất trút hơi thở cuối cùng, hồn sẽ lìa khỏi xác. Lúc này, âm hồn của họ phải đi qua một điện lớn ở âm ty, trải qua 7 lần phán xét, mỗi lần kéo dài 7 ngày thành 49 ngày. Sau 7 tuần tùy theo nghiệp báo lúc còn sống, họ sẽ được tái sinh vào cảnh giới tương ứng.
Theo kinh Địa Tạng nói: Người chết sau 49 ngày, gọi là chung thất, thì vong linh của người mất, tùy nghiệp mà thọ sanh chiêu cảm quả báo. Nếu hiện đời tạo nhiều điều lành, thì sẽ thọ sanh về cảnh giới an lành. Ngược lại, thì thọ sanh vào cảnh khổ. Tùy chỗ tạo nghiệp thiện ác, mà thọ sanh qua các loài và các cảnh giới sai biệt trong vòng lục đạo luân hồi. Cũng chính theo lời dạy nầy, mà Phật tử thường hay cúng Trai Tăng vào ngày chung thất.
Như vậy trong vòng 49 ngày, âm hồn sẽ phải trải qua thời gian “phán xét” để quyết định việc tái sinh vào cảnh giới nào. Lễ cúng 49 ngày “ra đời” như một cột mốc quan trọng của người chết.
Tục lệ cúng 49 ngày còn có tên gọi khác là chung thất, đây là tín ngưỡng để tang của người Việt và là nghi lễ quan trọng không chỉ đối với người còn sống mà còn đối với người đã mất.
Ý nghĩa của việc cúng 49 ngày
Lễ cúng này với những âm hồn đã được phán quyết vãng sanh vào cảnh giới nào sau 49 ngày như một buổi lễ để thể hiện sự tôn trọng, tưởng nhớ của những người còn sống dành cho họ.
Với những âm hồn chưa được quyết định họa sanh vào giới nào thì lễ cúng này có ý nghĩa tạo phước đức, hướng âm hồn người chết đến với những điều tốt, điều thiện. Hơn nữa, gia đình của người mất cũng muốn dựa vào sức chú niệm của chư tăng ni mà giúp âm hồn người chết sớm được vãng sanh vào cảnh lành.
Vì vậy với người Việt, ngày cúng 49 ngày vô cùng quan trọng. Người ta sẽ cúng đúng 49 ngày chứ không cúng trước hay cúng sau.
Thân quyến của người quá vãng phải tổ chức ngày cúng tế nghiêm trang, thành tâm và tránh phạm phải những điều cấm kị.