Vì sao rắn liên tục xuất hiện cắn người?

21:00, Thứ sáu 17/10/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tình trạng phá rừng khiến rắn "mất nơi trú ẩn" là một trong những nguyên nhân lý giải việc gần đây rắn liên tục xuất hiện tấn công con người.

Gần cuối tháng 8 vừa qua, đang nằm ngủ một mình trên giường, chị Phạm Thị Dung (39 tuổi, xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) bất ngờ bị con rắn cỡ lớn cắn vào chân.

Sau khi được sơ cứu tại một nhà thầy lang, chị được người nhà đưa lên bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lộc cấp cứu. Tuy nhiên, do chất độc đã ngấm sâu vào cơ thể nên chị Dung tử vong không lâu sau.

Nửa tháng sau, tại miền Tây cũng liên tiếp xảy các vụ rắn lục đuôi đỏ bò vào tận giường cắn trẻ em đang ngủ. Cụ thể, cháu Tăng Hữu Hưng (11 tuổi, ở TP Cần Thơ) bị rắn cắn vào mu bàn tay, dẫn đến rối loạn đông máu nặng.

Cháu Nguyễn Đăng Khoa (30 tháng tuổi, ở Vĩnh Long) cũng bị rắn cắn vào bàn tay. Sau khi được điều trị phác đồ huyết thanh kháng nọc rắn, hiện sức khỏe bé đã ổn định.

Mô tả ảnh.
Người dân ở khu vực xã Khánh Sơn, Nam Đàn, Nghệ An vô cùng hoang mang trước tình trạng rắn tràn vào nhà.

Tại Nghệ An, rắn lục đuôi đỏ liên tiếp gây ra nhiều vụ cắn người. Theo người dân địa phương, nhiều rắn lục không biết từ đâu xuất hiện hàng loạt ở Khánh Sơn (huyện Nam Đàn, Nghệ An) tấn công nhiều người dân. Thậm chí, một gia đình 6 người thì có tới 5 thành viên bị rắn cắn.

Theo giáo sư, tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh (Chủ tịch hội Động vật học), khu vực Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An là nơi có nhiều loại rắn lục đuôi đỏ. Vườn quốc gia, khu bảo tồn của khu vực này đều có loại rắn này.

Đây không phải loại rắn cực độc có thể gây chết người ngay, nhưng nếu không được sơ cứu cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Lý giải về tại sao loại rắn này liên tục xuất hiện tấn công người dân thời gian gần đây, giáo sư Huỳnh cho hay, rắn thường sống ở những khu vực rừng núi, nhiều cây cối rậm rạp. Tuy nhiên, tình trạng tàn phá rừng, rắn không còn nơi trú ẩn, mất chỗ ở nên quay ra tìm về nhà dân. Việc này tương tự giống như đàn voi ở Tây Nguyên.

Mô tả ảnh.
Tình trạng phá rừng, mưa nhiều cũng là một trong những nguyên nhân rắn xuất hiện nhiều quanh khu vực dân sinh sống.

"Rừng không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi cung cấp các nguồn thức ăn cho rắn sinh tồn. Rừng bị tàn phá, khu vực nhà dân thường có chuột, ếch, nhái, côn trùng... - những thức ăn mà rắn ưa thích - nên cũng là một khả năng lý giải việc rắn tìm đến khu vực dân cư sinh sống", giáo sư Huỳnh nói.

Vẫn theo giáo sư này, nếu các khu vực này xuất hiện mưa nhiều, mưa bất thường thì cũng là một nguyên nhân. Rắn là loài thích những nơi ẩm nhưng nếu nơi cư trú quá ướt thì nó sẽ tìm đến nơi khô hơn, mát vừa để ẩn.

Chủ tịch Hội động vật học khuyến cáo, các gia đình cần chú ý dọn dẹp cây cối, phát quang bụi rậm, chú ý tới các khu vực nhà kho, gầm ban, tủ, không nên để những đống rơm rạ sát nhà.

Do rắn có thói quen hay đi tìm thức ăn về đêm nên người dân không nên ngủ dưới nền đất ẩm. Buổi tối mọi người nên hạn chế ra ngoài, thường xuyên chú ý tới những khu vực xung quanh bể nước, bồn tắm, máy giặt vì đây cũng là những khu vực mát, rắn thích trú ẩn.

Nếu buộc phải đi trong đêm, người dân cố gắng đi ủng, giày cao cổ và quần dài, nên đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ. Rắn sẽ không cắn nếu con người không tác động đến nó. Khi đối diện với rắn người dân cần hết sức bình tĩnh, nên tìm dụng cụ để xua đuổi. Các gia đình cũng không cần phun thuốc hay hóa chất để diệt.

"Rắn thường sợ chó vì loài này hay bắt rắn. Người dân có thể nuôi thêm chó trong nhà để đề phòng", giáo sư Huỳnh khuyên.

Bệnh nhân bị rắn cắn cần được: bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn); cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.

Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt, không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Người dân tuyệt đối không nên tự ý trích, rạch, chọc vào vết thương bị cắn, không chườm đá, hút nọc độc...

Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai

Giáo sư lịch sử bị sa thải vì "mây mưa" với nhiều nữ sinh
Một giáo sư Khoa lịch sử vừa bị nhà trường sa thải và khai trừ khỏi Đảng sau khi phát hiện y ép buộc nữ sinh “mây mưa” để “đổi tình lấy điểm”.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phương anh