Vì sao tủ lạnh bị đông tuyết, có nên lấy lớp đông tuyết này ra không? Nhiều người xử lý sai mà không biết

( PHUNUTODAY ) - Lớp tuyết đông trong tủ lạnh khiến chật diện tích nhưng nhiều người đang xử lý sai cách

Tủ lạnh là thiết bị gia dụng mà hầu hết gia đình nào hiện nay cũng có. Thế nhưng không phải ai cũng đã biết cách dùng tủ lạnh cho đúng. Hiện tượng tủ lạnh đóng tuyết ở ngăn đông là sự xuất hiện những lớp tuyết trắng hay đá xốp, bám dày trên thành tủ. Ngoài ra nghiêm trọng hơn, lớp tuyết này có bám trực tiếp lên các loại thực phẩm đang đặt trong tủ. 

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do nhiệt độ tủ quá thấp, tủ lưu trữ quá tải và bộ phận cảm biến nhiệt độ của tủ đã bị hỏng. Ngoài ra có thể kể tới một số nguyên nhân ít gặp hơn là rơ le nhiệt tủ bị hỏng, cầu chì bị hỏng, cuộn dây motor bị cháy, điện trở gia nhiệt bị đứt, kẹp bánh răng khô dầu, bẩn hoặc bị bào mòn sau thời gian dài sử dụng hoặc ẩm tủ lạnh không được thông mạch. 

tu-lanh-dong-tuyet-xu-ly

Tủ lạnh đóng tuyết có sao không?

Do tủ lạnh có nhiệt độ thấp hơn nhiều so với bên ngoài nên, nhiều người mặc định đây là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, theo đánh giá từ các đơn vị sản xuất, phân phối và sửa chữa thiết bị điện tử lâu năm, hiện tượng này nếu tiếp tục để lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chiếc tủ lạnh.

Khi tủ lạnh có lớp tuyết dày thì khả năng làm lạnh của thiết bị bị suy giảm bởi các khu vực đẩy hơi lạnh sẽ bị che lại dẫn tới hoạt động hiệu suất thấp nên không đảm bảo bảo quản thực phẩm. Đặc biệt với những chiếc tủ đang lưu trữ nhiều thực phẩm tươi sống, nguy cơ thực phẩm bị hư hỏng cũng là rất lớn. Bên cạnh đó, lớp đá, tuyết dày cũng khiến không gian bên trong tủ lạnh bị thu hẹp khiến bạn mất diện tích lưu trữ.

tu-lanh-dong-tuyet

Cách xử lý lớp tuyết đông đá trong tủ lạnh

Để tiến hành xử lý thì đầu tiên bạn cần rút phích điện tủ lạnh cho an toàn. 

Hãy lấy hết thực phẩm bên trong tủ lạnh ra ngoài.

Sau khi ngắt điện, đồng nghĩa với việc tủ lạnh đã ngừng được cấp điện, vì vậy sau thời gian khoảng vài giờ đồng hồ, lớp băng tuyết sẽ tan, chảy dần ra thành nước. Khi đó hãy dùng khăn mềm, khô, sạch, có độ thấm hút nước tốt để bắt đầu lau lượng nước từ đá, tuyết tan ra. Để công việc diễn ra suôn sẻ và đảm bảo vệ sinh cho khu vực sàn nhà, đặc biệt là sàn gỗ, có thể lót giấy báo xung quanh khu vực tủ lạnh. Khi đã lau dọn tương đối, tiếp tục mở cửa tủ lạnh và để thoáng trong vài giờ tiếp theo.

Nếu tuyết dày có dấu hiệu tan chậm, người dùng cũng có thể áp dụng thêm một vài biện pháp sau:

-Dùng máy sấy sấy vào tủ, tác động vào lớp băng tuyết trong tủ lạnh. Khi thực hiện phương pháp này, cần lưu ý không nên để máy sấy quá sát tủ hoặc thành tủ, để máy tránh xa các vùng nước chảy ra từ tủ. Có thể kết hợp dùng máy sấy cùng dụng cụ cạo đá hay còn gọi là cây vét bột. Trong lúc thực hiện, cần đeo găng tay để đảm bảo an toàn.

- Dùng quạt thổi liên tục vào tủ lạnh; đặt một hoặc vài bát nước nóng vào tủ lạnh rồi đóng lại để hơi nóng khiến đá, tuyết tan...

- Dùng khăn nóng và cồn: Cồn ở đây mà bạn có thể sử dụng đó là rượu, kết hợp với một chút muối. Trong đó, muối thay thế các phân tử nước khiến nước và băng không thể cùng tồn tại ở thời điểm đóng băng. Còn rượu sẽ làm giảm đáng kể nhiệt độ đóng băng của nước, đến mức nó không đủ mát để đóng băng.

Bạn cũng có thể pha hỗn hợp nước nóng và lượng lớn muối, sau đó, nhúng 1 mảnh vải vào dung dịch, rồi nhúng tiếp vào rượu. Tiếp đến, dùng chính mảnh vải đó để lau vào các tảng băng tuyết bên trong ngăn đá. Lúc này, các tảng băng tuyết sẽ dần tan ra khỏi vị trí.

Khi phát hiện các trường hợp nghiêm trọng không thể tự khắc phục tại nhà, tốt nhất hãy liên hệ các thợ sửa chữa kỹ thuật và đơn vị bảo hành tủ lạnh chuyên nghiệp.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn