Bắt trẻ mầm non nuốt lại thức ăn đã ói vì đắt đỏ
Chiều 17/12, Đại tá Nguyễn Hữu Toàn – Trưởng Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã chủ trì họp báo thông tin về vụ việc bảo mẫu trường mầm non tư thục Phương Anh (đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) hành hạ trẻ được người dân quay lại clip gây phẫn nộ trong dư luận những ngày qua.
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, công an quận Thủ Đức đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, nhân viên cấp dưỡng, đang thử việc tại trường mầm non tư thục Phương Anh) và Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ phường 9, quận 8, TP.HCM, chủ trường mầm non) về hành vi hành hạ người khác.
Hai bảo mẫu Phương, Lý thừa nhận hành vi hành hạ trẻ em.
Cả 3 trẻ trong đoạn clip bị bảo mẫu hành hạ được công an đưa đi khám sức khỏe. 3 cháu được xác định là Bùi Ngọc Diệp (4 tuổi), Nguyễn Trần Hòa (31 tháng tuổi) và Lê Tuấn Khang (21 tháng tuổi). Trước khi xem clip, phụ huynh của các bé vẫn chưa hay biết con mình bị hành hạ. Chỉ đến đêm 16/12, khi đoạn clip được đăng tải, họ mới giật mình, phẫn nộ.
Công an đã áp giải cả hai bảo mẫu Phương và Lý về trụ sở để câu lưu, đến chiều 17/12 thì khởi tố vụ án.
Tại cơ quan công an, cả hai bảo mẫu đều thừa nhận toàn bộ hành vi hăm dọa, đánh đập tàn nhẫn đối với ít nhất 5 cháu bé tại trường mầm non tư thục Phương Anh.
Là người có hành vi rõ ràng nhất trong đoạn clip gây phẫn nộ trong dư luận, Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, quê Kiên Giang, tạm trú tại Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết tại cơ quan công an, mới tốt nghiệp lớp 12. Khi không đậu đại học, cô lên Sài Gòn kiếm việc làm tạm thời.
Cuối tháng 8/2013, Lý xin vào làm việc tại nhà trẻ tư thục mầm non Phương Anh (số 18 đường Hiệp Bình, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức). Khi phỏng vấn thì Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ Q.8, chủ nhà trẻ) nói tuyển Lý vào làm nhân viên cấp dưỡng nhưng phải làm nhiệm vụ cho trẻ ăn. Hàng ngày thấy bà chủ dạy trẻ bằng bạt tai nên Lý cũng học theo. Thấy bà chủ "dạy" trẻ bằng bạt tai nên Thiên Lý cũng học theo.
Tại cơ quan công an, Lý khai, trẻ nào không ăn sẽ bị sẽ bị đánh liên tiếp vào người, lưng, tay mông… Nếu bé nào khó ăn, Lý sẽ đút lia lịa vào miệng. Nếu trẻ ói, Lý sẽ hốt lại thức ăn rồi đút tiếp. Lý cũng thừa nhận, nhằm hăm dọa để trẻ ăn, Lý đã bế thốc 1 cháu bé nhấn đầu vào thùng nước. Còn bà Phương cũng thừa nhận có tát một cháu bé và hình ảnh này đã bị ghi lại trong clip
Bé Lê Tuấn Khang (21 tháng tuổi) bị bảo mẫu Lý đè đầu đánh rất nhiều vào lưng khi cho ăn.
Cả Phương, Lý đều thừa nhận hành vi đánh đập, hành hạ trẻ. Tuy nhiên cả hai đều nói rằng họ không biết như vậy là phạm tội, họ chỉ hăm dọa để cho trẻ tốt hơn (?).
Chị Trần Thị Thanh Phương (quê Bến Tre) – mẹ của bé Nguyễn Trần Hòa (31 tháng tuổi, bị bảo mẫu Phương bóp cổ trong lúc cho ăn) bật khóc khi nói về việc gửi con ở trường này: “Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi gửi con ở đây. Tôi gửi con đã gần 1 năm nay với số tiền 1,3 triệu đồng/tháng. Không biết trong những ngày tháng gửi ở đây con tôi bị các bảo mẫu hành hạ bao nhiêu lần rồi".
Theo điều tra của cơ quan công an, Lê Thị Đông Phương từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành mầm non, có giấy chứng nhận đã học qua lớp sơ cấp cứu căn bản, lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, lớp cấp dưỡng và đã có kinh nghiệm nuôi trẻ ở một trường mầm non công lập. Còn Nguyễn Lê Thiên Lý đang học lớp cấp dưỡng tại trường Đại học Sài Gòn. Lý được nhận vào thử việc tại trường mầm non tư thục Phương Anh vào cuối tháng 8 năm nay.
Trường mầm non tư thục Phương Anh đã đóng cửa.
Bà Phương thừa nhận trường mầm non của mình hoạt động không phép đã được 1 năm và đang trong quá trình xin giấy phép. Trước đó, vào ngày 15/11, tổ kiểm tra của phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) đã kiểm tra trường này và lập biên bản đề nghị bà Phương ngưng hoạt động giữ trẻ, tuy nhiên bà vẫn phớt lờ. Đến ngày 6/12 phường tiếp tục kiểm tra và yêu cầu bà Phương ngừng hoạt động việc giữ trẻ nhưng vẫn không ăn thua.
Phương cũng thừa nhận chính là người trong đoạn clip tát vào mặt cháu bé 28 cái khi cháu này không chịu ăn.
Tại phụ huynh gửi con "bừa phứa"?
Sau sự việc trẻ mầm non ở Trường MN tư thục Phương Anh (P.Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM) bị cô giáo hành hạ dã man được đăng tải, gây xôn xao dư luận, bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD-ĐT) đã lên tiếng về sự việc này.
Ngay sau khi, sự việc xảy ra, Thứ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký văn bản gửi Giám đốc sở GD-ĐT TPHCM khẩn trương làm rõ vi phạm, trách nhiệm để xảy ra vụ việc 2 bảo mẫu ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh hành xử một cách độc ác, tàn nhẫn như: bóp cổ, dí đầu xuống đất, lấy khăn bịt mũi, tát vào mặt... trẻ.
Theo bà Hiếu chia sẻ thì hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã có báo cáo rất chi tiết, cụ thể về sự việc này gửi cho Bộ GD-ĐT.
Nhắc đến việc sự việc vừa xảy ra, bà Hiếu cho biết: “Đây là nhóm lớp không được cấp giấy phép hoạt động. Trước hết TP HCM đã có báo cáo ra cụ thể về sự việc cho Bộ GD-ĐT, đây không phải là trường tư thục hoạt động không phép"
Bên cạnh đó, bà Hiếu cho biết thêm: "UBND quận, phường đã kiểm tra, lần thứ nhất yêu cầu dừng hoạt động, lần thứ hai kiểm tra đã xử phạt hành chính theo đúng quy định, nhưng họ vẫn cố tình hoạt động nên mới xảy ra tình trạng này".
Còn nếu quy trách nhiệm sự việc này thì rất khó, theo quan điểm của bà Hiếu thì hiện nay trách nhiệm đã được phân cấp. Trong vụ việc này, UBND xã, phường phải chịu trách nhiệm trách nhiệm vì là cơ quan cấp phép, sau khi có ý kiến chuyên môn của Phòng GD-ĐT.
Tuy nhiên, để nói trong sự việc này thì theo bà Hiếu, không thể quy trách UBND phường được vì họ đã đình chỉ rồi nhưng Trường tư thục đó cố tình hoạt động, nếu vậy, trước hết phải nói đến trách nhiệm cá nhân của người quản lý Trường đầu tiên.
Bà Hiếu nhấn mạnh: "Tôi cũng đã đi kiểm tra, tôi yêu cầu đình chỉ nhưng anh cố tình thì trách nhiệm phải thuộc nhà quản lý trường đó. Những nhà cơ quan quản lý có phát hiện ra hoạt động trái phép không, có phát hiện, sau đó còn kiểm tra, còn xử phạt, ở đây chỉ là cá nhân cố tình vi phạm, dĩ nhiên đó lại là một vấn đề khác".
Bà Hiếu cũng cho rằng: "Đây cũng việc của tất cả các Ban, ngành, Đoàn thể, chứ một mình Bộ GD-ĐT thì không giải quyết nổi, vì việc chăm sóc này là sự vào cuộc của nhiều phía".
Chính vì thế, đừng đổ hết lỗi cho người lãnh đạo, người quản lý. Bà Hiếu cho rằng: "Trách nhiệm của người phụ huynh tại sao họ không chọn chỗ gửi con cho an toàn để gửi. Vì con là tài sản quý giá nhất của gia đình thì phải quan tâm, tài sản thì phải tìm nơi mà gửi gắm chứ đừng mang gửi bừa phứa như vậy".