Dự kiến ngày hôm nay, 24/12 TAND TPHCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “chặt tay cô gái, cướp xe SH” táo tợn gây hoang mang dư luận vào cuối tháng 11 năm 2012.
Theo hồ sơ vụ án, chiều 24/11/2012, Luông, Trúc, Phương và Sơn cùng uống rượu tại nhà trọ của Luông (thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). Đang lúc “chén chú, chén anh”, Luông rủ Trúc và Phương đi cướp xe máy lấy tiền tiêu xài, 2 chiến hữu đồng ý.
Khoảng 8h tối cùng ngày, Luông điều khiển xe gắn máy chở Trúc mang theo 1 con dao, Phương rủ rê và chở Sơn đi cướp. Cả nhóm đi từ quận 7 sang quận 2, khi chuẩn bị qua cầu Phú Mỹ thì phát hiện chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy (SN 1984, ngụ quận 2) chạy xe Honda SH lưu thông cùng chiều.
Đi qua cầu Phú Mỹ thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 được khoảng 500 m, Luông cho xe vượt lên, ép chặn đầu xe chị Thúy, Trúc cầm dao chém 2 nhát liên tiếp trúng vào cẳng tay và cổ bàn tay phải, rồi nhát thứ 3 trúng vào cổ bàn tay trái làm chị Thúy và chiếc xe ngã xuống đường. Trúc lập tức xuống đề máy nhưng xe không nổ nên đành bỏ lại xe. Cùng lúc này, Phương và Sơn chạy tới giật chiếc ví có hơn 4 triệu đồng của nạn nhân rồi cùng đồng bọn tẩu thoát.
Chị Thúy - nạn nhân bị chặt tay.
Chị Thúy tri hô cướp và được dân phòng cùng tổ tuần tra công an xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè truy đuổi đến một khách sạn thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh thì tóm gọn được các đối tượng. Nạn nhân được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu, nối bàn tay. Mức độ tổn hại sức khỏe do thương tích gây nên là 47%.
Viện kiểm sát nhân dân đã truy tố 6 bị can về tội danh "cướp tài sản" gồm: Hồ Duy Trúc (20 tuổi, quê Ninh Thuận), Nguyễn Hoàng Phương (20 tuổi, quê Ninh Thuận), Trần Thanh Tuyền (22 tuổi, quê Ninh Thuận), Trần Văn Luông (25 tuổi, quê Bến Tre), Huỳnh Thanh Sơn (31 tuổi, quê Tây Ninh), Huỳnh Bảo Anh (tự Dũng, 45 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TPHCM), bị can Bảo Anh còn bị truy tố thêm tội danh “Tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng”. Ngoài ra còn có hai bị cáo bị truy tố về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
Các bị can trong vụ án.
Trao đổi về mức án đối với các bị can trên trước giờ xét xử, luật sư Giang Văn Quyết, VPLS Tâm Hoàng Nghĩa cho biết: “Với 6 bị cáo bị truy tố tội Cướp tài sản, hành vi phạm tội có tổ chức, gây thương tật cho bị lên đến 47% và 3 bị cáo bị truy tố cùng một lúc hai tội danh, rất có thể tổng mức án dành cho các bị cáo lên đến cả 100 năm tù.
Bởi lẽ, tại khoản 3, Điều 133 Bộ luật hình sự có nêu rõ: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì bị phạt tù 12 năm đến 20 năm tù”.
Luật sư chia sẻ thêm rằng: “Ngoài ra các bị cáo bị truy tố ở các tội danh khác như "Mua bán, tàng trữ, mua bán vũ khí quân dụng” hay “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” cũng đều có khung hình phạt tù và cao nhất là lên đến 7 năm tù”.
Điều 133. Tội cướp tài sản 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. |