Lê Tương Dực (1495-1516) tên húy là Lê Oanh, là vị vua thứ 9 của nhà Hậu Lê, ông trị vì từ năm 1509-1516. Sau khi Lê Uy Mục giết hại tông thất, Lê Oanh bị bắt giam, nhưng sau đó Lê Oanh muốn chạy thoát ra ngoài, mới đem của cải đút lót với người cai ngục. Người cai ngục được tiền, liền thả cho ông chạy thoát. Lê Oanh một mình chạy trốn vào thành Tây Đô (Thanh Hóa) dấy binh khởi nghĩa chống lại Uy Mục. Ngày 28/11/1509, Lê Uy Mục bị một vệ sĩ cũ bắt được trên đường trốn chạy, nộp cho Giản Tu công Lê Oanh. Sau khi Uy Mục tự tử Lê Oanh vì căm việc Uy Mục sát hại gia quyến mình rất thảm khốc, mới sai người để xác cựu Hoàng vào miệng súng lớn, rồi cho bắn nổ tan xác. Sau khi tiêu diệt Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập làm vua vào ngày 4/12/1509.
Vua Lê Tương Dực có đóng góp gì tích cực cho Đại Việt?
Nổi tiếng là ông vua chơi bời vô độ, dâm ô nhưng những ngày đầu mới lên ngôi, vua vẫn biết nghe lời phải trái, được coi là có công trạng với đất nước. Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về Lê Tương Dực: “Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp".
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1510, ngay khi mới lên ngôi, vua Lê Tương Dực đã trọng thưởng cho các công thần như Nguyễn Văn Lang, Lê Quảng Độ, Lê Phụ, Lê Bá Lân, Trịnh Hựu… Cũng trong năm này, vua bàn đặt quan đề lĩnh, trông nom việc quân ở bốn mặt thành, cho người canh phòng các nơi, tìm bắt kẻ gian.
Năm 1511, vua cho thấy sự cố gắng của mình trong việc vực dậy đất nước bằng việc tổ chức các kỳ thi Hội, thi Đình. Đặc biệt ở kỳ thi Đình, ông đích thân ra đề văn hỏi về đạo trị quốc. Vua còn cho trùng tu Quốc Tử Giám và làm mới nhà bia tiến sĩ để tỏ rõ sự khuyến khích nhân tài, cho khảo thí con cháu các quan viên về viết chữ và làm toán, người nào đỗ cho sung làm nho sinh ở nha môn.
Đại Việt sử ký toàn thư có trích bày ký do Đông các đại học sĩ Đỗ Nhạc soạn ca ngợi vua Lê Tương Dực “Vua thông minh xứng đáng bậc vua, sáng suốt làm gương cả nước, khôi phục quy mô xây dựng cơ nghiệp của Thái Tổ, mở rộng nền móng văn giáo thịnh trị của Thánh Tông”.
Quá trình sa đọa của vị vua vốn chăm lo trị nước
Trong giai đoạn đầu, vua chăm lo trị nước. Tuy nhiên về sau càng sa đọa. Ông thường gian dâm với các cung nhân, thậm chí với cả vợ lẽ của cha. Đó là một trong những lý do khiến ông bị người đời gọi là "vua Lợn".
Năm 1513, sứ thần nhà Minh Phan Huy Tăng khi sang Đại Việt, nhìn thấy vua Lê Tương Dực liền quay sang nói với người đồng hành Nhược Thủy rằng “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu".
Bàn về việc này, Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Trước đây, vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang. Lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử trần truồng chèo thuyền chơi trên Hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm. Dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Quân năm phủ đắp thành chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấy hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ đã làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười”.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận định về Lê Tương Dực: “Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp. Song chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, dẫn đến nguy vong là bởi ở đấy”.