Sáng 11/3, chỉ huy Công an quận Ba Đình cho biết chưa nhận được đề nghị hỗ trợ của “gia đình 40 năm nuôi nhầm con ở Hà Nội”. Tuy nhiên, lãnh đạo đơn vị khẳng định trên cơ sở thông tin báo chí phản ánh, cơ quan công an đã cử một tổ công tác tới gặp gia đình chị Tạ Thị Thu Trang để trao đổi, nắm bắt thông tin, nguyện vọng để giúp họ tìm kiếm người thân.
Theo cơ quan công an, 40 năm trước địa giới hành chính quận Ba Đình gồm cả phường Bưởi và Yên Phụ thuộc quận Tây Hồ ngày nay, nên việc xác định cần thêm nhiều đơn vị cùng tham gia hỗ trợ.
Chưa kể đến khả năng vào ngày 10/10/1974, có nhiều người dân ở các quận, huyện khác thuộc Hà Nội có thể đến Nhà hộ sinh quận Ba Đình đẻ con, nên cần rà soát ở diện rộng.
Gia đình bà Hạnh hy vọng từng ngày tìm lại được đứa con ruột bị trao nhầm năm xưa |
Cơ quan công an dự tính sẽ làm việc với Nhà hộ sinh quận Ba Đình để có thông tin, danh tính những nữ cán bộ công tác ở đây 40 năm trước nhằm tìm kiếm manh mối.
Cảnh sát nhận định có thể thu được danh sách những người sinh ngày 10/10/1974. Từ đó, cơ quan công an sẽ lọc lấy danh sách các bé gái chào đời ngày 10/10/1974, có bố mẹ là người quê Hà Nội cũ.
Từ số liệu này, cảnh sát sẽ khoanh vùng tiếp có bao nhiêu bé gái chào đời bằng phương pháp sinh thường, bao nhiêu là đẻ mổ để tiếp tục thu hẹp số lượng trẻ cần xác minh và tìm kiếm.
Một vị đại diện cơ quan công an nhận định: “Nếu tra cứu hồ sơ toàn bộ thành phố có hy vọng tìm được”.
Tuy nhiên, 40 năm trước, có bao nhiêu bé chào đời ở Nhà hộ sinh quận Ba Đình được bố mẹ khai sinh đúng ngày 10/10/1974; bao nhiêu trường hợp người thân do không nhớ ngày sinh của con mà khai nhầm, không chính xác, cũng sẽ gây khó khăn trong truy tìm.
Về phía gia đình bà Hạnh, đã nhiều lần gia đình tới Sở Y Tế, Phòng Tư pháp quận Ba Đình (Hà Nội) để dò hỏi thông tin năm xưa, nhưng đều ra về trong vô vọng.
Chiều qua (10/3), một lần nữa gia đình đến UBND quận Ba Đình hỏi thêm thông tin. Nhưng cơ quan này yêu cầu xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan chức năng về việc trích lục hồ sơ cá nhân có ngày sinh trùng với chị Trang. Việc này quá nan giải vì nằm ngoài khả năng của gia đình.
Chị Trang khóc nhiều khi kể lại câu chuyện đời mình |
Gia đình bà Hạnh, chị Trang rất mong các cơ quan chức năng giúp đỡ bởi gia đình không làm gì sai trái, bản thân chỉ mong tìm được rõ nguồn gốc của mình.
Lãnh đạo bên Trung tâm y tế quận Ba Đình cho biết, họ xác định được 3 nữ hộ sinh trong ca trực thời điểm đó nhưng có người thì ngoài 70 tuổi, có người ngoài 80 tuổi, tất cả đều đã già và không thể nhớ lại được thời điểm cách đây hơn 40 năm.
Trước đó, gia đình bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (65 tuổi), ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội đã nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người con gái bị trao nhầm cách đây 42 năm thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Ngày 10/10/1974, bà Hạnh sinh một cô con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Những đứa trẻ được đánh số, cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32. Thắc mắc bà Hạnh hỏi nhân viên y tế rằng con mình là số 33 sao đây lại là số 32 thì nhân viên y tế cho rằng, trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ. Khi ra tìm thì những đứa trẻ đánh số gần cạnh đều đã được gia đình đưa về hết.
Ôm con về nhà nhưng bà Hạnh luôn canh cánh trong lòng không yên và đứa bé được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Đứa con nhận "nhầm" được gia đình bà hết mực thương yêu. Tuy nhiên, khi tuổi già, chồng mất, bà Hạnh lại mong muốn tìm lại đứa con bị thất lạc từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa rõ tung tích người con gái. Chị Trang cũng mong muốn tìm lại được cội nguồn của mình.
Lời cảnh tỉnh cho các bà mẹ để con ngủ chung giường (Xã hội) - (Phunutoday) - Thói quen tưởng chừng vô hại của bố mẹ rất có thể sẽ khiến con trẻ gặp nguy hiểm tính mạng. Vì vậy, hãy cân nhắc khi hành động như thế này: |