Điểm danh những người tình của Napoleon

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Không phải là người chỉ say đắm phụ nữ vượt trên tham vọng quyền lực, trong cuộc đời Napoleon có vô số cuộc tình kỳ lạ. Có thể điểm qua một số người đàn bà có tác động chủ yếu đến cuộc đời và sự nghiệp của vị hoàng đế này.

Từ khi Napoleon mất và an táng ở hòn đảo lưu đầy Saint Helena năm 1821 đến nay, thế giới vẫn không ngừng tranh luận mọi chuyện về ông. Ngoài sự thừa nhận và thán phục là tài năng quân sự và chính trị phi thường của Napoleon, người đời còn tò mò đến đời tư của vị hoàng đế này. Không phải là người chỉ say đắm phụ nữ vượt trên tham vọng quyền lực, trong cuộc đời Napoleon có vô số cuộc tình kỳ lạ. Có thể điểm qua một số người đàn bà có tác động chủ yếu đến cuộc đời và sự nghiệp của vị hoàng đế này.

Desirée Clary

Lúc Napoleon còn là một anh sĩ quan bình thường, ông có mối tình đầu với nàng Desirée Clary, con gái của một thương gia giàu có thuộc miền Marseille và là em của chị dâu Julie, người đã lấy anh Joseph. Sau khi chia tay nàng để lấy Joséphine, Napoleon đã làm mai gả nàng cho vị tướng của mình là thống chế Bernadotte.

Sau này Bernadotte đã được Napoleon phong làm vua Thuỵ Điển nhưng đã chống lại Napoleon. Nàng Desirée Clary vẫn ở lại Pháp trong sự giám sát của Napoleon. Ít lâu sau khi chiến tranh Napoleon kết thúc, Desirée Clary cũng trở về Thuỵ Điển làm hoàng hậu cho đến cuối đời. Cô luôn là người bạn chung tình và chân thành của Napoleon.

Joséphine

Joséphine tên thật Rose Tascher de la Pagerie (Joséphine là tên bà nội của Rose, trong gia đình vẫn gọi Rose là Joséphin) là goá phụ của tướng Alexandre de Beauharnais. Joséphine lấy chồng năm 16 tuổi và có 2 con. Vị tướng này bị cách mạng Pháp xử tội. Sau đó Joséphine là người tình ông Hoche, không bao lâu sau là người tình của Barras, người sếp đỡ đầu của Napoleon.

Napoleon tình cờ gặp Joséphine ở nhà Barras. Vừa mới gặp Joséphine, Napoléon đã đem lòng thương yêu ngay đến nỗi Napoléon đã thốt lên: "Joséphine, quyền lực lạ lùng của em đối với anh không thể so sánh được, đó là quyền lực gì vậy hả em?" Nhân cơ hội này, Barras chia tay với Joséphine và vận động người tình cũ chinh phục Napoleon để bịt miệng những kẻ xấu miệng xầm xì về thói ăn chơi trác táng của mình. Dù gia tộc Napoleon không bao giờ ưa Joséphine nhưng sau sáu tháng theo đuổi, đám cưới Joséphine và Napoleon vẫn được tổ chức tại Paris (1796). Đó là một đám cưới không làm lễ ở nhà thờ khi Napoleon 27 tuổi, Joséphine 33. Sau đám cưới vài tháng, Napoléon cầm quân đi chinh chiến ở Ý.

Cả Napoleon và Joséphine đều sinh trưởng ở trên đảo. Napoleon người đảo Corse, còn Joséphine ở đảo Martinique. Cả hai cũng thuộc dòng qúy tộc nhỏ, cả hai không liên hệ đến chế độ quân chủ cũ, và thủa thiếu thời cũng cảm thấy mình là kẻ xa lạ, có những giây phút khó khăn về tiền bạc trên đất Pháp.

Ngoài những điểm trên, hai người lại khác nhau một trời một vực về những khía cạnh khác. Joséphine, lãng mạn, và tiêu xài phung phí giao du với nhiều nhân vật quan trọng dưới nhiều chế độ khác nhau. Joséphine có nét đẹp đằm thắm, nhã nhặn, cư xử khéo léo, tế nhị, biết lấy lòng người, trong khi Napoleon tính tình bộc trực, nóng nẩy, hay trầm tư, đắn đo, cân nhắc. Joséphine tính tình hời hợt, thiếu chiều sâu, nhưng Napoleon vẫn yêu Joséphine đến cuồng nhiệt( thể hiện rõ qua hàng loạt bức thư tình của ông gửi cho Joséphine). Điều bất hạnh nhất là Joséphine không yêu Napoleon như Napoleon đã yêu Joséphine, ngay từ lúc đầu, cũng như thời gian về sau này. Duy một điều, Joséphine rất nể sợ Napoleon qua những lần nổi ghen có lý do của ông.

Khi Napoleon lên ngôi hoàng đế, Joséphine được phong chức hoàng hậu.Sau nhiều năm sống chung với Hoàng hậu Joséphine de Beauharmais không con nối dõi, lại thêm cái tính không chung thủy của Joséphine đã làm Napoleon mệt mỏi. Sự nóng bỏng cuồng nhiệt Napoleon dành cho Joséphine từ từ nguội dần, ông bắt đầu có nhiều tình nhân.

Marie Waleska

Năm 1807, một người phụ nữ trẻ đẹp khác xuất hiện, đó là Marie Waleska. Thời gian này Napoléon và Joséphine đã sống với nhau được 11 năm. Marie Waleska, tóc vàng, mắt xanh là một phụ nữ ái quốc của nước Ba Lan Waleska cải trang một người quê mùa đến gặp Napoleon để năn nỉ ông cứu giúp cho nước Ba Lan được độc lập vì nước này đã bị mất chủ quyền từ năm 1795. Marie Waleska lúc này 22 tuổi, Napoleon đã 38. Tưởng rằng mình sẽ dùng sắc đẹp của tuổi trẻ để quyến rũ, chinh phục vị hoàng đế này, nhưng không ngờ chính Waleska đã bị tiếng sét của Napoleon ngay tại chỗ. Khi nghe Waleska nói xong, Napoleon trao cho Waleska bó hoa và nói: "Hãy giữ bó hoa như một biểu tượng về những ý tốt của tôi. Mong rằng chúng ta sẽ gặp lại nhau ở vùng Varsovie. Lúc đó, tôi mong sẽ nhận được lời cảm ơn từ trên đôi môi xinh đẹp của nàng". Sau đó, hai người gặp nhau không ngừng. Waleska viết trong hồi ký, kể lại giây phút gặp gỡ ban đầu với Napoleon: "Ông ngả mũ chào và nghiêng người sát lại tôi, tôi không biết ông đã nói gì với tôi, bởi lúc đó, tôi đang tập trung tư tưởng, tìm cách trình bày vấn đề mà tôi muốn nói". (Napoléon đã nhận lời và giúp cho Ba Lan được độc lập. Nhưng sự độc lập này mất đi khi Napoleon từ bỏ chính trường).

Từ khi gặp Waleska, Napoleon phải tổ chức lại tất cả thời khóa biểu cũng như cách làm việc để có thời giờ gặp Waleska thường xuyên. Cuộc tình mùa xuân của hai người này bắt đầu từ tháng tư cho đến tháng sáu năm 1807 trong một tòa lâu đài xa xôi, đây là một giây phút duy nhất và hoàn toàn bất ngờ trong cuộc đời Napoleon. Chính khoảng thời gian này, một sử gia đã gọi đó là "một cuộc tình mãnh liệt như một phép lạ đã xảy ra". Waleska trở thành người tình của Napoleon. Tính tình, cách cư xử của Waleska đã làm thu hút, mê hoặc Napoleon. Càng ngày, ông càng thương yêu Marie Waleska nhiều hơn. Cuộc tình này đã kéo dài trong thời gian gần ba năm trời. Trong khi đó, Joséphine day dứt chờ đợi Napoléon. Nhưng, Marie Waleska không còn mãi là người phụ nữ độc thân. Waleska bị ép buộc lấy bá tước 70 tuổi này với hai lần góa vợ, và Waleska đã có một con với ông chồng này. Cuộc tình lén lút tạm ngưng, khi Napoleon đem quân đi chinh chiến, cũng là lúc Waleska vừa thụ thai với Napoleon.

Marie Louise

Lúc Napoleon tiến vào thành phố Viene, vua Áo bỏ chạy để lại người con gái trưởng là công chúa Marie Louise, lúc đó bị bệnh nặng nên không theo cha rời thành phố được. Khi gặp công chúa, Napoleon nghĩ ngay rằng chính người con gái này sẽ đem lại cho mình đứa con nối dõi. Còn Marie Louise từ cửa sổ nhìn ra, thấy dáng của một người, và có cảm nhận, người này sẽ là chồng mình sau này. Nhưng trong lúc ấy, Marie Louise cũng như cả gia đình nàng đều căm ghét Napoleon, người nhiều đam mê chuyên thích đi xâm chiếm. Cũng trong thời gian này, Napoleon đã gặp công chúa nước Nga. Napoleon muốn có con nối dõi nên đã cầu hôn cả hai công chúa, nước Áo và Nga một lúc. Trong khi Nga hoàng còn do dự thì vua nước Áo đã đồng ý gã công chúa Marie Louise cho Napoleon. Đối với vua Áo, Napoleon lúc đó là kẻ thù số một, không ai hạ nổi trên chiến trường. Vua khuyên con gái nên nhận lời vì tiền đồ Quốc gia, và Marie Louise nhận lời.

Vì muốn có con trai nối dõi để củng cố đế quốc của mình, Napoleon buộc lòng phải ly dị với Joséphine năm 1809 sau mười ba năm chung sống mà Joséphine không có con với ông. Để chứng tỏ Napoleon vẫn còn yêu Joséphine, ông để Joséphine tiếp tục mang danh hiệu hoàng hậu. Hoàng đế tặng điện Élysée cho nàng nhưng cựu hoàng hậu chẳng thể nào đành lòng ở lại. Sau những lần chinh chiến về, Napoleon vẫn tặng những nữ trang quý giá. Bỗng lộc vẫn được cấp dưỡng đầy đủ, với tòa lâu đài ở vùng Malmaison (cách Paris 6 km).

Lễ cưới của Napoleon và Marie Louise được tổ chức tại thành phố Viene trong nhà thờ, nhưng không có mặt của hai người. Ngày hôm sau Marie Louise mới gặp Napoleon. Năm tháng sau, ngày 1 tháng 4 năm 1810, Napoleon tổ chức đám cưới tại Paris, lúc đó Marie Louise mười tám tuổi, Napoleon bước qua tuổi bốn mươi. Tình cờ nhất, một tháng sau đám cưới này, người tình cũ Ba Lan Waleska hạ sinh một bé trai cho Napoleon vào ngày 4 tháng 5 năm 1810 đặt tên là Alexandre Waleska và được phong chức bá tước. Mười tháng sau, vào ngày 20 tháng 3 năm 1811 Marie Louise cũng cho ra đời một bé trai, đặt tên Napoleon II được phong chức De Rome (ông chủ thành Rome). Louise sinh nở rất khó, tính mạng hai mẹ con trong tình trạng nguy hiểm, chỉ có thể cứu sống một người mà thôi. Bác sĩ hỏi ý kiến Napoleon để có sự lựa chọn một trong hai Napoleon trả lời: "Người mẹ". Nhưng cuối cùng bác sĩ đã cứu được cả hai. Trước đó, Napoleon đã tuyên bố, nếu sinh bé gái, sẽ bắn 21 tiếng trọng pháo, sinh bé trai là 101 tiếng. Khi dân chúng nghe tiếng pháo thứ 22 họ reo mừng: "Napoleon đã có con trai!".

Đế chế quyền lực của Napoleon sụp đổ sau cuộc liên minh quân sự Anh, Phổ, Áo, Nga. Napoleon chịu thoái vị lần thứ nhất và bị đày ở đảo Elbe (1814-1815). Từ đảo trở về Pháp lấy lại ngôi, ba tháng sau Napoleon đem 130.000 quân đi đánh Bỉ (lúc đó ông 46 tuổi). Thất bại ở Waterloo, an bài trước định mệnh, Napoleon chấp nhận thoái vị lần hai và bị nước Anh đày ra đảo Saint Hélène giam lỏng.

Sau khi Napoleon bị đày ngòai đảo, vua gọi con gái và cháu ngọai trở về Áo và phong chức cho người cháu trai là bá tước vùng Reichstadt. Marie Louise vẫn giữ tước hiệu hòang hậu Pháp, nhưng có thêm tước hiệu mới là hầu tước ở ba vùng: Parme, Plaisance và Guastalla. Marie Louise có viết vài bức thư thăm Napoléon khi ông ở đảo Elbe, nhưng không đến đảo thăm. Khi Napoleon từ đảo Elbe trở về lấy lại ngôi, nhưng Marie Louise cũng không đến thăm. Năm sau, Louise giao con trai cho cha ruột trông coi. Một hôm, Marie Louise tình cờ đọc tờ báo thấy gọi mình là quả phụ mới biết Napoleon (52 tuổi) đã chết từ ngày 5 tháng 5 năm 1821 (sau 6 năm bị đày ở đảo Saint Hélène). Bốn tháng sau, Marie Louise trở thành vợ của một bá tước, lúc này Marie Louise 30 tuổi. Marie Louise có hai người con trai với người chồng sau này. Mười ba năm sau, Marie Louise thành góa phụ lần thứ hai. Sau đó bà tái giá một lần nữa. Marie Louise mất năm 56 tuổi (1791-1847). Người con trai duy nhất chính thức của Napoleon với công chúa Louise, Francois Charles Joseph Bonaparte chết trẻ tại Áo năm 21 tuổi (1811-1832). Sau này thi hài Francois cũng được đưa về Pháp để an táng cạnh Napoleon.

Napoleon và Joséphine đã sống chung thời gian dài (13 năm) nhưng Joséphine không bao giờ đi thăm ông khi bị đi lưu đày lần thứ nhất (9 tháng) ở đảo Elbe. Joséphine mất ngày 29-5-1814 (51 tuổi), lúc đó Joséphine tổ chức buổi tiệc tiếp đón Nga hoàng Alexandre đến thăm bà tại lâu đài Ruel Malmaison, nhưng ngay đêm hôm đó Joséphine bị trúng lạnh và chết ngay trên giường. Alexandre ngồi bên cạnh giường của Joséphine.

Còn Marie Waleska, người tình xứ Ba Lan của Napoleon, sinh một con trai cho Napoleon. Marie Waleska luôn luôn ở trong bóng tối và chỉ xuất hiện trong những giây phút ông gặp khó khăn, Marie Waleska lặng lẽ đến đảo (1815) để an ủi ông. Vào năm 1816, Marie Waleska lấy chồng một lần nữa, một bá tước dòng họ Ornano. Waleska chết năm 31 tuổi (1786-1817) vì sinh con khó. Khi Waleska chết, tim được đặt trong nhà mộ của dòng họ Ornano ở nghĩa địa Père-Lachaise tại Paris, nhưng xác thì đem về Ba Lan. Người con không chính thức của Napoleon với Waleska được đặt tên là Alexandre Colona Waleski (tên họ, đàn ông là Waleski, đàn bà Waleska). Người con này được ông chồng già của Maria Waleska nhận làm con và được mang họ của ông. Người con trai ngoại hôn này cũng giống Napoleon như đúc, và được thừa hưởng khá nhiều trí thông minh của cha. Đây là nhánh duy nhất của dòng Napoleon còn con cháu nối dõi cho đến ngày nay. Tuy là máu mủ nhưng không còn mang họ Napoleon nữa.

Lịch sử còn phát hiện thêm Napoleon còn có một đứa con rơi nữa là Léon. Đó là Charles Louis Napoleon Bonaparte. Đó là hậu quả một cuộc gặp gỡ chớp nhoáng của Napoleon ngoài ý muốn với cô giáo của em gái mình. Người con trai này giống Napoleon như hai giọt nước, nhưng Léon Charles không thừa hưởng được sự thông minh của cha.

Lịch sử nước pháp từng ghi danh vua Napoleon đệ tam. Đó là người cháu gọi ông bằng bác tên Charles Louis Napoleon Bonaparte. Có một số điểm trùng hợp giữa 2 người. Năm 1852, Louis Napoleon Bonaparte cũng xóa sổ nền cộng hòa bằng đế chế đệ nhị và trở thành hoàng đế với tước hiệu Napoleon đệ tam. Sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ 1870, Napoleon đệ tam cũng buộc phải thoái vị và sống lưu vong ở nước ngoài cho đến chết. Ông là vị vua cuối cùng của nước Pháp. Từ đó nước Pháp lại tiếp tục theo chế độ cộng hoà cho đến tận bây giờ.

Trong cuộc đời, Joséphine vẫn là người đàn bà mà Napoleon thương yêu nhất. Người ta có thể cảm nhận được điều này qua những bức thư tình ông viết cho nàng. Với mọi người lính trong đội quân Bonapac năm xưa, việc ông bị nàng "cắm sừng" bao giờ cũng là giai thoại thú vị nhất.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn