Những manh mối ban đầu mang hy vọng của gia đình bị trao nhầm con

08:00, Thứ sáu 11/03/2016

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vụ trao nhầm con ở nhà hộ sinh Ba Đình đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Mọi người rất mong sẽ có phép màu đến với gia đình này...

Tâm sự đẫm nước mắt của người mẹ bị trao nhầm con ở nhà hộ sinh 42 năm về trước

Những ngày này, câu chuyện về người phụ nữ bị trao nhầm con cách đây 42 năm tại nhà Hộ sinh quận Ba Đình đang gây nhiều sự chú ý của dư luận. Bởi tất cả đều đang chờ vào một phép màu để rồi giấc mơ “Như chưa hề có cuộc chia ly” sẽ thành hiện thực.

Theo tiết lộ của gia đình, bà Mai Hạnh đã từng 2 lần đi thử ADN và biết được chính xác chị Trang không phải là con của mình. Đồng thời, bà cũng âm thầm gửi đơn lên các cơ quan chức năng để mong tìm được vận may. Câu chuyện và tâm sự ấy được bà giãi bày như sau:

“Ngày 10/10/1974, tôi sinh 01 cháu gái ở nhà Hộ sinh Ba Đình (Hà Nội) địa chỉ ngõ Phan Huy Ích, Ba Đình (nay là nhà Hộ sinh 12 Lê Trực, Ba Đình). Các cháu sau khi sinh được đánh cùng số vào chân mẹ và con.

Tôi được đánh số 33 nhưng lần đầu tiên khi nhận con cho bú, tôi phát hiện chân con tôi lại là số 32. Tôi thắc mắc cháu số 32 không phải là con tôi, các chị hộ lý bế cháu số 32 đi tìm nhưng không có cháu nào số 33.

Hộ lý trả lời do tắm số bị mờ đi và khẳng định cháu số 32 là con tôi và không tìm nữa.

Trong linh cảm tôi thấy cháu không phải là con tôi, có lẽ do những người đẻ trước tôi đã nhận nhầm hoặc cố tình tráo đổi con tôi. Lúc đó họ đã ra viện. Do nhà Hộ sinh không lưu ý và quản lý chặt chẽ nên mới không tìm thấy số 33. Lúc đó tôi mới ngoài 20 tuổi, cũng chẳng nghĩ được nhiều và sự khẳng định của nhà Hộ sinh số 32 là con tôi nên tôi nhận con.

Với tình mẫu tử của người mẹ, tôi yêu thương chăm sóc con hết mực, hi vọng không có sự nhầm lẫn nào. Nhưng thật đáng tiếc, cháu càng lớn càng lộ rõ nét mặt, chiều cao chẳng giống ai trong gia đình: bố, mẹ, anh chị em, họ tộc nội ngoại.

Tôi bị những nghi ngờ, lời ra tiếng vào của gia đình họ mạc. Cũng rất may chồng tôi hiểu và rất tin tưởng vào sự chung thủy của vợ nên không có nghi ngờ gì cả. Hai vợ chồng chỉ biết dồn hết tình yêu thương chăm sóc cháu nên người và mong rằng nếu có sự nhầm lẫn thật thì cầu mong người khác đang nuôi con mình họ cũng yêu thương chăm sóc nên hết mực như mình.

Nay đã 42 năm, sự việc nhầm con với tôi vẫn không thể nào quên được. Tôi rất muốn bằng mọi cách tìm lại cháu để biết cuộc sống thực của đứa con mình đã mang nặng đẻ đau.

Nên tôi đã tìm đến thử ADN, kết quả Trang không phải là con tôi. Tôi vô cùng sốc và suy sụp, đau đớn. Tôi luôn đặt câu hỏi, không biết con gái tôi giờ này ở đâu và cuộc sống của con thế nào?

Từ khi biết chính xác con tôi bị lạc mẹ, tôi buồn bã và sút hơn 10kg rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể.

Thương mẹ các con tôi đều đồng lòng phải tìm cội nguồn đích thực cho hai cháu mà nhà Hộ sinh Ba Đình do thiếu trách nhiệm đã làm thất lạc và làm đảo lộn cuộc sống của gia đình tôi.

Rồi số phận của hai đứa trẻ không được bú đúng dòng sữa đích thực người mẹ đã mang nặng đẻ đau ra các cháu và còn những hệ lụy trong xã hội như đã từng xảy ra: Anh lấy nhầm em...”.

Những manh mối ban đầu mang hy vọng của gia đình bị trao nhầm con
 Chị Trang (hàng đứng, thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình khi còn trẻ

Những manh mối ban đầu trong hành trình tìm lại con ruột

Theo tìm hiểu của gia đình bà Mai Hạnh, ngày 10/10/1974, trên toàn Thành phố Hà Nội có khoảng 400 trẻ sơ sinh được sinh ra, riêng quận Ba Đình có 4 bé gái.

Từ khi gia đình “mạnh dạn” đưa thông tin lên truyền thông, đã có người “giấu tên” cung cấp cho gia đình chị Trang số chứng minh nhân dân cũng như địa chỉ của ba người phụ nữ ở quận Ba Đình sinh cùng ngày với chị Trang.

Cũng thêm thông tin được chia sẻ, chị Trang có 1 vết bớt còn in hằn trên cánh tay phải của mình.

“Tôi còn 1 nốt ruồi nữa ở giữa trán nhưng đã bị tẩy đi. Tôi nghĩ đó cũng là 1 vài chi tiết để gia đình có thể từ đó nhận ra tôi”, chị Trang nói.

Đó là những “manh mối” ban đầu được gia đình hết sức kì vọng. Và qua những “manh mối” đó, họ cũng mong sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để “những cuộc chia ly” như thế này sẽ sớm được “thu về 1 mối”.

“Tôi không kiện ai, không trách ai, chỉ muốn xin danh sách những bé sinh cùng đợt với Trang để mong tìm lại con của tôi cũng như bố mẹ đẻ cho Trang. Và tôi cũng muốn “minh oan” cho mình vì đã từng có những lời đồn ác ý nói rằng, tôi có con riêng”, đó là tâm sự gửi về của bà Mai Hạnh khi bà đang ở đất nước Anh xa xôi để du lịch.

Những manh mối ban đầu mang hy vọng của gia đình bị trao nhầm con
 Vết bớt trên tay phải của chị Trang

Cơ sở y tế đã mất hết giấy tờ

Liên quan đến vụ việc người mẹ nuôi nhầm con suốt 42 năm, trưa ngày 9/3, Sở y tế đã có biên bản báo cáo Sở Y tế Hà Nội và trả lời cho gia đình bà Mai Hạnh.

Ngay sau khi tiếp nhận đơn thư của bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Trung tâm Y tế đã tiến hành rà soát tất cả sổ sách cũ, kho dữ liệu, tuy nhiên, do thời gian đã quá lâu nên thông tin về ca trực ngày 10/10/1974 đã không còn. Ông Phạm Hữu Tiệp cho biết:

“Từ năm 1974 đến nay đã 42 năm. Nhà hộ sinh quận Ba Đình sau nhiều lần đổi địa điểm, nay đã chuyển về số 12 Lê Trực. Thời gian đó đất nước chiến tranh, còn nhiều khó khăn, sổ sách thất lạc, những người đã làm ở ca trực thời gian đó cũng đã chuyển công tác, có người đã tuổi cao và qua đời, chúng tôi chưa thể tìm được manh mối nào”.

Vì thấu hiểu nỗi lòng của người mẹ vất vả, khổ tâm đi tìm kiếm con trong hơn 40 năm, nên Sở y tế cũng đang nỗ lực tìm kiếm mọi thông tin mới nhất để chuyển đến gia đình.

Những vụ nhầm con được phát hiện nhờ linh tính của cha mẹ
Những vụ nhầm con được phát hiện nhờ linh tính của cha mẹ
(Xã hội) - (Phunutoday) - Giữa cha mẹ và con cái luôn có một sợi dây gắn kết vô hình khiến những gia đình nhận nhầm con có thể linh tính về sự nhầm lẫn không đáng có.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vũ Trung Thành