Những hình ảnh đầu tiên được chia sẻ trên facebook H.T cách đây một tuần kèm thông tin về hạt hướng dương khi bị quét ra ngoài sân, ngâm trong nước sau một đêm thì xuất hiện những sinh vật nhỏ trông giống như đỉa, sâu thân mềm bò ra trong nước.
Nội dung mà facebook H.T chia sẻ như sau:
"Cảnh báo với tất cả mọi người 1 thông tin cực kì nguy hiểm: Hôm qua nhà mình có đưa cháu đến chơi, cháu bốc hạt hướng dương, vứt bừa ra sân. Nhà mình không quét ngày hôm đó, để qua 1 đêm bị ngâm nước. Sáng dậy một cảnh tượng kinh hoàng xảy ra trước mắt. Sau một đêm ngâm nước hạt bị bung ra bên trong hạt xuất hiện những con như này bên trong giống như con đỉa. Mọi người hãy xem những hình ảnh chụp thực tế dưới đây."
Hình ảnh những sinh vật được cho là đỉa, bò ra từ hạt hướng dương vứt ngoài sân sau một đêm. |
Khi đang chưa rõ thực hư những hình ảnh trên như thế nào thì ngày 25/2 vừa qua, một facebook khác có tên H.L cũng chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một con vật có hình dạng như giun bò ra từ hạt hướng dương trên bàn. H.L chú thích cho đoạn clip của mình: "Con gì đây cả nhà? Ăn bao nhiêu xong mới thử nghiệm mấy hạt hướng dương của mình đang ăn. Cho vào cốc nước lọc 1 lúc thì không thể tin được trước mắt mình là một con gì ngoe nguẩy chui ra từ trong hạt hướng dương".
Liên lạc với chủ nhân đoạn clip trên, anh H.L cho biết clip này được quay tại một quán cafe ở Hà Nội. Khi anh bỏ 4 hạt hướng dương vào cốc nước lọc thì khoảng 4-5 phút sau đã thấy một con ngoe nguẩy chui ra từ trong nhân hạt. "Hôm đó mình ăn những hạt hướng dương này thì không thấy có dấu hiệu hư hỏng gì cả, nhưng không hiểu sau khi chỉ mới bỏ 4 hạt vào nước thì đã phát hiện có một con gì đó chui ra", H.L kể lại.
Tiếp tục vào ngày 26/2, một người dùng khác đăng tải thêm một clip những hạt hướng dương ngâm trong nước có những vi sinh vật chưa rõ là con gì đang ngoe nguẩy dưới nước. Đây là vụ thứ 3 trong số những vụ việc được cho là phát hiện "sinh vật lạ" trong hạt hướng dương ngâm nước thời gian gần đây.
Facebook H.L chia sẻ về "sinh vật lạ" chui ra từ hạt hướng dương ngâm nước. |
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cho biết: "Về nguyên tắc, hạt hướng dương là hạt được người dân phơi khô, rang sấy và sau đó bảo quản trong môi trường không hơi ẩm giống như hạt lúa, hạt dưa… Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng để ăn và bảo quản thì nếu để hạt bị ẩm ướt thì có thể bị mọt. Mọt là con bọ cánh cứng, có quá trình chuyển hóa thành con quăng quăng (giống bọ gậy).
Theo dòng đời đó thì chúng là sâu thân mềm, sau biến thành mọt cánh cứng. Có thể vào thời điểm người dân phát hiện ra thì con mọt chuyển hóa thành con sâu thân mềm. Khi gặp môi trường nước có thể nó sẽ bò ra”, ông Thịnh lý giải.
Như vậy, đây chỉ là hiện tượng có thể xảy ra khi bảo quản hạt hướng dương không đúng cách, để bị ẩm ướt; hoặc với những hạt hướng dương đã để quá lâu, quá hạn sử dụng và không đảm bảo vệ sinh ATTP. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình thì tốt nhất người tiêu dùng nên lựa chọn loại đóng bao bì xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng; không mua hoặc sử dụng hạt hướng dương trôi nổi, không rõ nguồn gốc; đừng cố ăn khi phát hiện hạt có dấu hiệu ẩm mốc, có hạt ỉu hoặc bị mọt.