Gần đây, mạng xã hội "dậy sóng" trước loạt phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi. Mới đây, một tài khoản Facebook có tên Ý Nhi Huynh Tran đăng đàn xin lỗi khán giả sau những ồn ào đã qua.
Tài khoản này viết: "Xin lỗi những lùm xùm vừa qua của Ý Nhi đã ảnh hưởng rất nhiều đến tất cả mọi người...". Tài khoản này còn tuyên bố chuyện trả lại vương miện cho ban tổ chức sau nhiều lùm xùm. "Qua sự việc này Ý Nhi cũng xin trả lại vương miện và danh hiệu cho ban tổ chức. Chúc cho người kế nhiệm của mình sẽ hoàn thành trọng trách thật tốt", tài khoản Ý Nhi Huynh Tran viết.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng đã "soi" được những chi tiết cho thấy đây thực chất chỉ là tài khoản Facebook giả mạo Hoa hậu Ý Nhi.
Trước đó, trong buổi phỏng vấn, khi được hỏi về bạn trai, Hoa hậu Ý Nhi mất điểm khi trả lời rằng:"Tôi hiện tại đã ở một cương vị mới, thật sự là một bước tiến nhảy vọt so với tôi của 2-3 tháng trước. Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ nhiều hơn để có thể theo kịp tôi. Nhưng tôi vẫn mong muốn bạn trai vẫn giữ được sự hồn nhiên, vô tư, sống đúng với lứa tuổi".
Không chỉ vậy, người đẹp Bình Định tiếp tục khiến nhiều người bức xúc khi nói về các bạn đồng trang lứa: "Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã lo nghĩ sau này mình sẽ làm gì. Bạn bè đồng trang lứa với tôi dành thời gian để ngủ, để chơi, đi uống trà sữa hay cafe thì tôi đã trưởng thành hơn các bạn. Tôi đã công việc, các bạn vẫn đang là sinh viên thì tôi đã là hoa hậu rồi. Khi tôi có trọng trách lớn như vậy thì cũng phải biết giữ mình hơn để phù hợp với cương vị của mình".
Ngoài ra, khi được MC yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng quê Bình Định, Ý Nhi đã nhanh chóng đáp: "Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung".
Câu trả lời của Ý Nhi trở thành đề tài bàn tán, lý do là bởi cô tự nhắc "người nổi tiếng" trước vua Quang Trung, hành động này bị cho là thiếu khiêm tốn. Chưa kể cô còn bị sai kiến thức cơ bản. Nhà thơ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí (1912 – 1940) ông sinh ra tại làng Mỹ Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình nhưng lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Vì cha của ông làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở. Vì thế Hàn Mặc Tử cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau. Đến năm 1940, Hàn Mặc Tử quay về Quy Nhơn, vào nhà thương Quy Hòa để điều trị và mất tại đây. Như vậy Hàn Mặc Tử không phải quê Bình Định như Ý Nhi trả lời.