Ở khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi Nghệ An, từ bác sỹ đến bệnh nhân không ai không khỏi xót xa thương cảm cho hoàn cảnh cậu bé Lô Văn Đức. Đức mới trải qua một ca mổ u bạch huyết trực tràng. Ít ai biết rằng, cậu bé mới 5 tuổi đời này đã phải trải qua 4 ca phẫu thuật.
Lô Văn Đức là người dân tộc Thái, quê ở bản Mờ, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Từ khi sinh ra cho đến thời điểm hiện tại là quãng thời gian đầy đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần đối với em.
Nhìn Đức nằm bệt trên giường bệnh cắn răng chịu đựng vết thương khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Từ sau khi phẫu thuật, Đức luôn phải nằm nghiêng, đôi mắt nhắm nghiền.
Cuộc đời Đức là chuỗi ngày dài đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác. 1 tuổi, gia đình phát hiện hậu môn em có cục u, đại tiện rất khó khăn, sốt ly bì suốt ngày đêm. Nói tiếng kinh chẳng sõi, anh Lô Văn Thiện khó khăn lắm mới nói được vài câu rành rẽ: “Vợ chồng vay được 1 triệu đồng đưa đi viện khám. Bác sỹ chẩn đoán cháu bị u đại tràng và cho chuyển xuống viện tỉnh. Cháu nhỏ và yếu quá nên bác sỹ bệnh viện Nhi Nghệ An cho uống thuốc, đỡ rồi cho về”.
Trên người bé, chằng chịt những vết mổ đau đớn.
Mới 5 tuổi đã trải qua 4 lần phẫu thuật, cậu bé mệt mỏi, thiêm thiếp trên giường bệnh.
Những lúc tỉnh, đôi mắt thơ ngây của em nhìn xung quanh đầy khao khát...
Về nhà được 2 tháng sau, bệnh tái phát, Đức lại phải quay lại Bệnh viện Nhi Nghệ An lần thứ 2. Lần này, các bác sỹ quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u cho em. Điều trị đỡ, Đức lại được cho về. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, khối u lại có dấu hiệu phát triển. “Mổ chỗ này thì lại thấy u mọc lên chỗ khác. Đây là lần thứ 4 vợ chồng em phải đưa con đi viện để mổ. Nợ đã hơn 40 triệu đồng rồi mà bệnh của con vẫn không khỏi”, anh Thiệu buồn rầu.
Những ngày Đức ở bệnh viện vợ chồng anh Thiệu luôn phải có mặt bên cạnh con để tiện chăm sóc. Công việc đồng áng ở quê phải ngưng trệ hoàn toàn. Nguồn thu nhập duy nhất của hai vợ chồng từ đó cũng bằng con số 0. Đã rất nhiều hôm cả hai vợ chồng đã phải nhịn đói để tiết kiệm tiền. Hàng ngày, anh Thiệu chỉ dám cầm 10 nghìn mua cháo, chia làm 3 bữa cho con. “Vợ chồng em chưa biết vay tiền ở đâu để chữa trị cho con tiếp. Tiền trong túi đã gần hết nên phải tiết kiệm. Nếu không có những người nhà của bệnh nhân thương tình thỉnh thoảng cho suất cơm, tô cháo để hai vợ chồng chia nhau ăn thì không biết sẽ sống như thế nào cho qua ngày”, anh Thiệu nói thêm.
Vừa rồi, sau khi con mổ xong, vợ chồng anh Thiệu tính sẽ xin viện cho con trở về nhà nhưng cứ sợ ôm con về, nhỡ lại bị làm sao như những lần trước thì nguy hiểm đến tính mạng. Bám trụ lại bệnh viện với cảnh không tiền bám trụ lại bệnh viện lại không có tiền cũng không làm gì được. Vợ chồng anh Thiệu đang trong cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Người mẹ ngồi ôm con, nước mắt ngắn dài. Nỗi lo chồng chất khi cơn bạo bệnh của con ngày càng nặng. Mổ xong rồi đấy, nhưng hết u này nó lại mọc u khác như những lần trước khiến vợ chồng anh càng hoang mang, vừa thương con vừa lo sợ một ngày kia tử thần sẽ vĩnh viễn cướp đi đứa con thơ. Chiều tối nay, lại như bao chiều tối khác, hai vợ chồng lại ăn bánh mì uống nước lọc, nhường cơm cho con.