Mang thai đến tháng thứ 5 thì chị Hoàng Thị Yên (34 tuổi, thôn Đông Lao, xã Đông La, Hoài Đức, Hà Nội) phát hiện mình bị ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Bác sĩ và người thân khuyên chị bỏ con để tập trung chữa trị. Nhưng chị không chịu và bảo dù có chết cũng không bao giờ vứt bỏ giọt máu của mình.
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang
Nhìn bức ảnh cưới treo trên tường mới thấy chị Yên đẹp đến thế nào. Khuôn mặt thanh tú, hàm răng trắng muốt và dáng người mảnh mai khác hẳn với người đàn bà có mái tóc ngắn như đàn ông và đôi mắt mờ đục bây giờ. Bế đứa con gái nhỏ trên tay, thi thoảng chị Yên lại vuốt vuốt mái tóc ngắn của nó.
Bé Cẩm Tú chính là sức mạnh giúp chị Yên vượt qua nỗi đau. |
Chị chia sẻ: "Nếu hồi đó em nghe lời bác sĩ và người thân thì bây giờ làm sao có con cún này chứ. Có nó rồi em mới thấy dù mình chỉ sống thêm một ngày cũng là một ngày rất đáng để sống".
Nói rồi chị Yên kể lại cho chúng tôi nghe cái ngày mà chị nhận hung tin mình bị ung thư vòm họng. Mang thai được khoảng hai tháng thì chị thấy người mệt. Cứ đi làm về là chỉ muốn nằm vật ra.
Thời gian sau đó, chị thường xuyên bị chảy máu cam, chảy nhiều không cầm được. "Có hôm đang làm ở xưởng may, nó cứ chảy ồng ộc ra. Người ta cho em lên phòng y tế của công ty nằm rồi tiêm thuốc nhưng cũng không đỡ", chị kể.
Sau đó, chồng chị được gọi đến để đưa chị vào Viện 103 khám. Khám xong, bác sĩ gọi riêng chồng chị Yên ra để nói chuyện.
"Khi anh ấy quay vào em thấy mặt anh ấy tái mét. Em hỏi em bị làm sao thì anh ấy lắc đầu bảo không sao cả. Nhưng em linh tính là có chuyện không lành rồi. Một lúc sau em lại thấy chị gái gọi điện ra bảo cứ yên tâm ở đó nhé, bố và chị đang ra. Nghe thế là em đã hiểu bệnh của em nghiêm trọng đến thế nào rồi, vì bố em già thế lại đang bệnh nặng nữa mà cũng ra để thăm em", chị nhớ lại.
Phải đến ngày hôm sau gia đình mới chịu nói cho chị Yên biết là chị đã mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối. Bác sĩ đã đến khuyên chị là bỏ đứa con thì mới đưa ra được phác đồ điều trị. Dù nhờ đến đến chồng và người thân khuyên nhủ nhưng chị nhất mực không đồng ý.
Khi chồng chị nói: "Mình hãy bỏ đứa con này đi để trị bệnh. Khi khỏi rồi thì em muốn có bao nhiêu con cũng được" thì chị đã khóc và nói: "Con là kết quả tình yêu giữa anh và em. Nó cũng là máu mủ của chúng mình nên dù có phải chết em cũng không bỏ con đâu. Hơn nữa, nếu em bỏ con, sau này đằng nào em cũng chết, xuống dưới đó nếu gặp con thì em biết nói thế nào đây?"
Chưa khi nào chị Yên thấy ân hận về quyết định của mình. |
Vì không chịu bỏ giọt máu của mình nên bác sĩ buộc phải cho chị Yên về nhà vì không có phác đồ điều trị ung thư nào cho người đang mang thai. Bất lực trước sự quyết tâm của chị Yên, chồng và người thân trong gia đình đành quay sang ủng hộ và động viên chị.
Chồng chị bảo: "Nếu em quyết tâm thì tinh thần em phải phấn chấn vui vẻ lên để không ảnh hưởng đến con. Còn nếu suốt ngày ủ rũ, khóc lóc thì sau này con sinh ra cũng sẽ buồn và khổ". Nghe chồng nói vậy, chị dù khổ sở, hoang mang đến mấy nhưng vẫn cố giữ cho mình một tinh thần tốt vì con.
Vì không dùng bất cứ một loại thuốc nào nên bệnh tình của chị Yên vì thế mà ngày càng nặng hơn. Đôi mắt chị cứ mờ dần. Ngồi trong mâm cơm chị không thể tự gắp thức ăn, muốn xỏ đôi dép để đi cũng khó. Đến khoảng tháng thứ 7 của thai kỳ thì mắt trái của chị đã không thể nhìn gì nữa.
Dù vậy nhưng chị Yên vẫn nhất định không khóc. Chị nghĩ mình đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình thì những thứ mất mát như thế không đáng gì. Con chị khi sinh ra nó nhất định phải là một đứa trẻ vui vẻ như bao đứa trẻ khác.
Trái ngọt của sự hy sinh
Ngày chị lên bàn mổ cũng là ngày con mắt còn lại của chị cũng đã mờ hẳn. Hy vọng được một lần trông thấy mặt con giờ cũng tắt. Chị "vượt cạn" trong bóng tối. Lúc sinh con ra, chị đã xin bác sĩ cho được sờ mặt con gái. "Lúc đó em hỏi bác sĩ là con em trông thế nào, bác sĩ bảo con bé xinh lắm làm em hạnh phúc đến nghẹt thở. Em nghĩ nếu em có phải chết ngay lúc đó em cũng nhẹ lòng" - chị Yên nhớ lại.
Từ ngày phát hiện ra bệnh, chị Yên về ở hẳn nhà ngoại. Vì hoàn cảnh gia đình chồng khó khăn. Mẹ chồng đã gần 80 tuổi, già yếu bệnh tật. Chồng là con một lại hành nghề lái taxi nên cũng phải đi suốt.
Ngày chị Yên sinh nở, chị gái Hoàng Thị Yến đang tu trên chùa cũng về nhà ở hẳn. Chị Yến hứa với em gái mình là sẽ chăm sóc con của chị cho tới khi nó trưởng thành. Chị đặt tên cho con gái mình là Lê Hoàng Cẩm Tú.
Vợ chồng chị Yên khi chị chưa mắc căn bệnh quái ác. |
Sinh con ra nhưng mọi chăm sóc cho bé Cẩm Tú đều do chị Yến lo toan. Vì đôi mắt mẹ bé Cẩm Tú đã thành mù hẳn. Có lần, chị Yến đặt bé Cẩm Tú ngủ trong nhà để tranh thủ đi chợ. Giữa chừng nghe tiếng con khóc, chị Yên hốt hoảng chạy từ nhà ngoài vào để dỗ con, chẳng may vấp và đập đầu vào tường làm chị bị chảy rất nhiều máu.
Chị chia sẻ: "Nói thật, lúc đó em thấy đau đầu thì ít mà thấy tủi thân thì nhiều. Em cứ nghĩ mình là một người mẹ vô dụng, đến con mình mà cũng không thể tự tay chăm sóc".
Chị bảo, giờ đã có con là niềm vui, là liều thuốc tinh thần cho chị nguôi quên đi những đớn đau thể chất. Mỗi lần nghe bé Cẩm Tú bập bẹ, bi bô, chị Yên thấy mình thật sự hạnh phúc.
Hỏi chị nếu có cơ hội để được lựa chọn lại, chị có lựa chọn khác đi không thì chị Yên lắc đầu đáp: "Dù có thêm một nghìn lần lựa chọn thì em vẫn cứ chọn cái cách mà mình đã chọn thôi. Đã lấy chồng, có người phụ nữ nào lại không mong muốn mình có con. Nhiều người còn bất hạnh hơn em khi họ còn phải tốn bao công chạy chữa, mất bao nhiêu tiền của mà cũng chẳng có nổi một mụn con. Như em vẫn còn là hạnh phúc".
Chị Yên tâm sự rằng, sự sống của chị bây giờ như ngọn đèn treo trước gió nên chị luôn trong tâm thế sẵn sàng cho việc ra đi. Có lần chị đã dặn chồng mình rằng: "Em biết mình chả sống được bao lâu. Nếu em chết đi xin anh hãy để con ở nhà ngoại cho chị Yến chăm sóc. Anh rồi cũng phải lấy vợ khác và sinh con đẻ cái nhưng xin anh hãy quan tâm đến con. Đừng để nó mất mẹ rồi lại mất nốt cả tình cảm của cha. Khi anh vào thăm con không cần phải cho nó tiền bạc mà chỉ cần bịch sữa, mấy thứ đồ chơi để con nó cảm nhận được tình cảm của cha".
Khi quyết định giữ lại giọt máu của mình, bác sĩ điều trị đã nói thẳng với chị là nếu chị nhất định làm việc đó thì sự sống của chị chỉ kéo dài nhiều nhất cũng chỉ được hai đến ba tháng mà thôi. Vậy mà giờ đây bé Cẩm Tú đã có mặt trên cõi đời này được tròn 14 tháng.
Không chỉ bác sĩ, gia đình và người thân mà ngay đến cả bản thân mình chị Yên cũng không tin được là mình lại có thể sống đến ngày hôm nay. Chị cười tươi lý giải: "Chắc có lẽ do tình yêu của em với con nó mạnh mẽ quá. Đó chính là động lực cũng là sức mạnh để em vượt lên bệnh tật".
Không còn vẻ nhanh nhẹn ngày nào, cũng chẳng còn nét đẹp rạng ngời trước đó. Chị Yên ngồi bên bậc thềm nhà với một vẻ dại khờ - di chứng của bệnh tật. Có tận mắt chứng kiến mới thấy sự hy sinh lớn lao của chị dành cho đứa con gái bé bỏng của mình.
Chị nói trong hạnh phúc: "Nếu phải đánh đổi cả tính mạng mình để giữ lại được con, em cũng chấp nhận. Em mất đi đôi mắt nhưng đổi lại em có được đứa con. Chỉ tính sơ thôi cũng đã thấy em lãi to rồi".
Cuộc sống thiếu tình mẫu tử của bé trai văng khỏi bụng mẹ "Thằng bé tập lật có phần trầy trật, nhăn nhó vì chân phải cụt đến đầu gối. Nhưng nó khỏe, cứ nghiêng người tập đi tập lại hoài", bà ngoại bé trai văng khỏi bụng mẹ nói. |