Xuất hiện virus khổng lồ sau 30.000 năm

19:45, Thứ sáu 07/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Các nhà khoa học Pháp cho biết họ vừa phát hiện một loài virus cổ đại có tuổi thọ ít nhất 30.000 năm đã hồi sinh từ dưới lớp băng dày vĩnh cửu ở vùng Siberia.

Các nhà khoa học cho biết sau khi được lấy ra từ lớp băng này, loài virus trên đã có thể lây nhiễm trở lại, tuy nhiên nó không gây nguy hại cho con người hay các loài động vật. Tuy nhiên họ cũng cảnh báo rằng nhiều loại virus cổ đại nguy hiểm sẽ xuất hiện trong tương lai khi lớp băng vĩnh cửu đang tan dần.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí khoa học PNAS, giáo sư Jean-Michel Claverie thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một loài virus vẫn có thể lây nhiễm sau ngần đấy thời gian”.

Mô tả ảnh.
Con virus khổng lồ hồi sinh sau giấc ngủ 30.000 năm.

Loài virus cổ đại này được phát hiện nằm sâu dưới 30 mét băng vĩnh cửu. Có tên gọi là Pithovirus sibericum, nó thuộc về một chủng virus khổng lồ từng được phát hiện cách đây 10 năm.

Nhóm nghiên cứu đặt tên cho loại virus mới phát hiện là Pithovirus sibericum do nó có hình dạng của một chiếc bình 2 quai. Tên của nó bắt nguồn từ "pithos", từ để chỉ một chiếc bình trong tiếng Hy Lạp.

So với kích thước các virus khác, P. sibericum thuộc loại "khủng", khoảng 1,5/1.000.000 mét, giúp các nhà khoa học có thể quan sát nó dưới kính hiển vi quang học bình thường, mà không cần phải dùng tới các kính hiển vi điện tử tân tiến. Virus cổ cũng chứa đựng tới 500 gen, trong khi các virus gây bệnh cúm hiện chỉ sở hữu 8 gen.

P. sibericum hiện là thành viên đầu tiên của một lớp virus khổng lồ mới, có họ Megaviridae.

Lần lây nhiễm cuối cùng của nó là cách đây hơn 30.000 năm, tuy nhiên bằng các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã “hồi sinh” và cho nó lây nhiễm trở lại.

Các thí nghiệm cho thấy loài virus này chuyên tấn công sinh vật đơn bào amip, tuy nhiên nó không lây nhiễm cho người hay động vật.

Tiến sĩ Chantal Abergel cũng thuộc CNRS nói: “Nó xâm nhập vào tế bào, phân chia và cuối cùng giết chết tế bào amip, tuy nhiên nó không tấn công tế bào của người”.

 Mặc dù vậy, các nhà khoa học tin rằng có nhiều loài “sát thủ” virus đang náu mình trong lớp băng vĩnh cửu ở vùng Siberia. Khu vực này đang chịu một thảm họa thực sự, khi lớp băng vĩnh cửu ở đây ngày càng mỏng dần do biến đổi khí hậu.

Giáo sư Claverie cảnh báo rằng khi băng tan đi sẽ giải phóng nhiều loài virus chết người mới. Ông nói: “Khi người ta thực hiện các hoạt động khai mỏ và khoan dầu, những lớp băng cổ đại sẽ bị xuyên thủng, và đó chính là nơi mà nguy cơ xuất phát”.

Ông lấy ví dụ về loại virus đậu mùa vốn được coi là đã bị xóa sổ cách đây 30 năm. Ông nói: “Nếu loài virus này tồn tại giống như những con virus ăn amip trên thì bệnh đậu mùa chưa hề được xóa bỏ khỏi hành tinh này, nó chỉ biến mất trên bề mặt mà thôi”.

Ông nói tiếp: “Càng đào xuống sâu hơn, chúng ta càng có nguy cơ kích hoạt lại thảm họa đậu mùa từng hoành hành khắp địa cầu”.

Để đề phòng điều đó, các nhà khoa học hiện đang tìm cách khám phá chuỗi ADN của loài virus này để tìm ra loài nào nguy hiểm cho con người và động vật.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: