1. Da vùng ngực sẫm màu
Vùng da ngực, nhất là hai đầu vú trở nên sẫm, tối màu hơn. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện ngay khi bạn mang thai.
Nhiều người tin rằng vùng da ngực sẫm màu có liên quan tới việc xác định giới tính thai nhi, chẳng hạn vùng da này càng tối màu chứng tỏ bạn sẽ sinh bé trai. Tuy nhiên đây là những quan điểm không chính xác vì nó không dựa trên bất kỳ căn cứ khoa học nào.
Những vùng da ngực sẫm màu này sẽ biến mất sau khi bạn sinh một cách tự nhiên mà không cần bạn phải sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào.
2. Cảm giác thèm ăn
Nhiều phụ nữ khi mới mang thai trở nên thích ăn hơn, nhất là với một số món đặc biệt nào đó. Một số bà bầu thèm ăn bánh kẹo ngọt, dưa, táo, trứng, thịt, sữa… trong khi một số ít khác có sở thích quái lạ hơn, họ thích cả những thứ không phải là thực phẩm như đất, gỗ…
Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone khi mang thai đồng thời đó cũng là cách cơ thể bạn đòi hỏi bổ sung thêm các loại dưỡng chất để nuôi em bé.
Chứng thèm ăn có thể chỉ xuất hiện vào giai đoạn đầu mang thai hoặc trong suốt hành trình thai nghén nhưng nó sẽ tự mất đi sau khi bạn sinh nở. Nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bà mẹ và em bé, bạn cũng nên đặc biệt chú ý tránh tình trạng tăng cân quá nhanh khi mang thai.
3. Hay khóc hơn
Nhiều phụ nữ trong thời gian đầu mang thai trở nên nhạy cảm hơn, họ khóc vì nhiều lý do không rõ ràng, kể cả lúc đang xem quảng cáo trên tivi hay ngồi đọc sách…
Sở dĩ có sự thay đổi về tâm lý như vậy là do cơ thể thay đổi hormone trong khi mang thai. Thêm vào đó là những căng thẳng, lo lắng, những triệu chứng khó chịu thường thấy khi bầu bí như đau lưng, ốm nghén, tiểu rắt, táo bón…
Sự xáo trộn hormone trong cơ thể bạn sẽ trở lại bình thường sau khi bạn sinh em bé. Bạn cũng nên tăng cường các hoạt động vui chơi, thư giãn, trò chuyện trong thời gian mang thai để phòng tránh stress và giữ tinh thần thoải mái.
4. Thân nhiệt tăng
Đến quý thứ II của thai kỳ, đôi khi bạn cảm nhận thấy cơ thể đột nhiên nóng lên từng cơn, mồ hôi lấm tấm, da dẻ bỗng ửng đỏ dù bạn không làm gì cả.
Đây là vấn đề hoàn toàn bính thường và bạn không có gì cần phải lo lắng cả. Bởi sự lưu thông các mạch máu trong cơ thể bạn tăng nhanh khiến má bạn ửng hồng. Khi ấy, tuyến mồ hôi cũng hoạt động mạnh mẽ hơn.
Đây là hiện tượng thay đổi thân nhiệt một cách bình thường. Vì vậy, làn da của bạn sẽ trở về tự nhiên sau đó ít phút.
5. Những vệt da sậm màu phía bụng dưới
Một số thai phụ xuất hiện những vệt da sậm màu ở phía bụng dưới trong khi một số khác thì không. Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, những vệt da sậm màu này là kết quả của sự thiếu hụt axit folic của phụ nữ suốt thời kỳ thai nghén.
Bạn nên chú ý chế độ ăn đầy đủ ngũ cốc, các loại rau sậm màu hoặc uống bổ sung axit folic theo chỉ dẫn của bác sĩ. Những vệt da sậm màu này sẽ tự nhiên biến mất sau khi bạn sinh một vài tháng.
6. Tóc dày hoặc mỏng hơn
Tóc bạn có thể trở nên dày và bóng mượt hoặc mỏng và bị rụng nhiều hơn khi mang bầu. Đó là do thay đổi hormone HCG (chất nội tiết thai nghén) trong cơ thể khiến tóc của các bà bầu trở nên dày hoặc mỏng hơn.
Trong thời gian này, các bà bầu nên chú ý chăm sóc tóc, hạn chế việc nhuộm, ép, uốn tóc… vừa khiến tóc bạn xấu đi vừa không tốt cho sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Nếu tóc bạn rụng nhiều, bạn cũng không nên quá lo lắng, chỉ cần chú ý vệ sinh, chăm sóc tóc thường xuyên là được.
7. Ốm nghén
Những cơn nôn ọe chắc chắn là điều chẳng mẹ nào mong thế nhưng đây lại là cảm giác thường xuyên với những mẹ bầu 3 tháng đầu. Ốm nghén thường dị ứng với mùi vị, đây là cách để cơ thể ngăn chặn những chất nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho thai nhi.
Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể cũng được cho là khiến mẹ bầu bị mệt mỏi, buồn nôn. Để hạn chế ốm nghén, chị em có thể ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, uống nhiều nước, ăn bánh quy giòn, uống trà gừng…
8. Trí nhớ suy giảm
Bạn trở nên hay quên hơn, từ những cuộc hẹn quan trọng đến cả số điện thoại, chìa khóa nhà… Nguyên nhân là do lượng oestrgen và progesterone có liên quan đến chức năng ghi nhớ trong cơ thể bạn sụt giảm.
Để khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ này ở mẹ bầu, bạn nên viết ra giấy những công việc bạn phải hoàn thành trong một ngày và dựa vào đó để thực hiện, bạn sẽ tránh được tình trạng nhớ việc này, quên việc kia. Chứng suy giảm trí nhớ khi mang thai là hoàn toàn bình thường, bạn không nên quá lo lắng.
9. Chảy máu nướu răng
Sự gia tăng lưu lượng máu của cơ thể giúp di chuyển máu và chất dinh dưỡng đến cổ tử cung và nó gây ra tình trạng chảy máu ở chân răng , nướu răng. Bạn sẽ nhận thấy rõ ràng hơn điều này khi đánh răng vào mỗi buổi sáng. Triệu chứng này sẽ thuyên giảm sau khi sinh nở.
Để giảm nguy cơ chảy máu nướu răng, mẹ nên chọn chiếc bàn chải mềm và dùng chỉ nha khoa để vệ sinh răng.
10. Ngón chân sưng phù
Những ngón chân, đặc biệt là ngón chân cái sưng phù và to hơn ngày thường. Tình trạng này do rất nhiều yếu tố gây ra. Đó có thể là chứng sưng phù bình thường ở thai phụ, có thể do bạn tăng cân quá nhanh khiến các ngón chân cũng trở nên “béo” hơn hoặc do các dây chằng (nối cơ và xương) bị dãn và khiến ngón chân bạn phình to hơn.
Bạn không nên quá lo lắng vì hiện tượng này sẽ nhanh chóng mất đi sau khi bạn sinh em bé.
11. Đau lưng, đau hông
Khi mang thai, xương chậu và các dây chằng của mẹ sẽ bị lới lỏng đáng kể. Đây là nguyên nhân khiến chị em bầu dễ dàng bị đau lưng, đau hông. Càng về cuối thai kỳ, những triệu chứng này càng trở lên nặng nề hơn và mẹ cần chú ý đến việc đi lại để không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để giảm triệu chứng đau lưng, hông, mẹ cũng nên hạn chế đi giày cao gót hoặc giầy đế bệt. Loại giày phù hợp nhất cho sản phụ là 3-4 phân.
12. Đi tiểu thường xuyên
Thường xuyên đi nhà vệ sinh là điều phổ biến ở các bà bầu, bởi khi bầu bí, áp lực của thai nhi lên bàng quang, niệu đạo và cơ xương chậu sẽ khiến họ có cảm giác buồn tiểu cả ngày.
Không chỉ đi tiểu thường xuyên, mỗi khi ho hoặc làm việc nặng, bạn cũng dễ bị són tiểu.