Cần lưu ý gì về táo bón ở trẻ em?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Táo bón thường xảy ra ở trẻ sơ sinh ăn sữa ngoài và trẻ nhỏ đang bắt đầu tập ăn dặm.

Táo bón là tình trạng đi ngoài ít hơn 3 lần một tuần. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với người lớn chứ không đúng hoàn toàn với trẻ em bởi thói quen đi ngoài của trẻ thay đổi tùy vào từng độ tuổi khác nhau và phụ thuộc vào thức ăn của trẻ.

Nếu con bạn không đi ngoài thường xuyên thì bạn cũng không nên lo lắng bởi chưa chắc bé đã bị táo bón.

Thói quen đi ngoài bình thường ở trẻ

Trong suốt tuần đầu tiên, trẻ sơ sinh thường đi ngoài nhiều, khoảng 4 lần một ngày, phân mềm và lỏng. Những trẻ bú sữa mẹ sẽ đi ngoài nhiều hơn những trẻ ăn sữa ngoài.

Trẻ sơ sinh từ một tuần đến 3 tháng tuổi ăn sữa mẹ đi ngoài trung bình khoảng 3 lần một ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng trẻ mà số lần đi rất khác nhau, chẳng hạn như một số trẻ có thể chỉ đi ngoài duy nhất một lần một tuần trong khi những đứa trẻ khác đi ngoài sau mỗi lần cho ăn.

Trẻ sơ sinh từ một tuần đến 3 tháng tuổi dùng sữa ngoài cũng có xu hướng đi ngoài 3 lần mỗi ngày. Loại sữa bột trẻ dùng có ảnh hưởng đến độ đặc của phân. Ví dụ, phân của trẻ dùng sữa có chứa đậu nành hoặc sữa bò đặc hơn phân của trẻ dùng sữa thủy phân protein.

Cho đến khi được 2 tuổi, trẻ sẽ đi ngoài nhiều hơn và phân của trẻ cũng đặc hơn.

Bởi cơ bụng của trẻ còn yếu nên trẻ phải rặn nhiều khi đi ngoài, thậm chí rặn đến nỗi đỏ mặt là điều rất bình thường. Bạn không cần phải lo lắng nếu trẻ đi ngoài ra phân mềm chỉ sau một vài phút rặn.

Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ

Trẻ ăn sữa mẹ rất hiếm khi bị táo bón mà táo bón hay xảy ra ở trẻ ăn sữa ngoài và trẻ đang chuyển sang ăn dặm.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, táo bón có thể do một số loại thuốc hay vấn đề sức khỏe nào đó gây ra, chẳng hạn như:

  • Bệnh ngoại phình đại tràng bẩm sinh (Hirschsprung): là tình trạng các tế bào thần kinh ảnh hưởng đến cơ ruột già của thai nhi khi còn ở trong tử cung phát triển bất thường
  • Các bệnh lí liên quan đến tủy sống
  • Hậu môn phát triển không bình thường
  • Không có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng bình thường

Dấu hiệu táo bón ở trẻ

Nếu sau khi rặn một vài phút mà em bé của bạn không thể tống phân ra ngoài thì rất có thể bé đã bị táo bón. Một số dấu hiệu khác của táo bón bao gồm:

  • Đi ngoài ra phân cứng hoặc vón cục
  • Quấy khóc khi đi ngoài
  • Đi ngoài ra ít phân hơn so với bình thường
  • Có các động tác bất thường khi đi ngoài, chẳng hạn như uốn cong lưng hoặc thắt chặt mông
  • Trướng bụng

Nghiêm trọng hơn, táo bón có thể gây đau dữ dội và chảy máu trực tràng.

Mô tả ảnh.
Táo bón đặc biệt nguy hiểm ở trẻ.

Cách chữa trị táo bón ở trẻ sơ sinh

Nếu trẻ từ 4 tháng tuổi trở xuống bị táo bón, bạn nên đưa đến các trung tâm y tế cho bác sĩ chữa trị.

Nếu trẻ đã được 4 tháng tuổi hoặc lớn hơn, bạn có thể đút cho trẻ nước ép trái cây như nước mận, táo hoặc lê. Những loại nước này rất tốt cho trẻ bởi chúng có chứa loại thuốc nhuận tràng tự nhiên có tên sorbitol.

Bạn cũng có thể trộn nước ép trái cây với ngũ cốc hoặc bột cho trẻ ăn.

Hãy hỏi các bác sĩ xem con bạn uống bao nhiêu nước ép là đủ.

Sử dụng si-rô ngô cũng từng là một biện pháp khắc phục táo bón hiệu quả tại nhà bởi trong si-rô ngô cũng chứa chất sorbitol. Hiện nay, si-rô ngô được bày bán rất nhiều trong các cửa hàng nhưng thành phần hóa học của chúng không giống nhau và không còn được coi là giải pháp hiệu quả cho chứng táo bón nữa.

Ngoài ra, các loại ngũ cốc, rau, củ, quả giàu chất xơ như mơ, đào, khoai lang cũng có thể đẩy lùi chứng táo bón ở trẻ sơ sinh.

Chứng táo bón ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân gây ra táo bón ở trẻ nhỏ cũng giống như ở người lớn, đó là thiếu chất xơ và chất lỏng trong thực đơn hàng ngày hoặc “lười” đi ngoài.

Bác sĩ y khoa chuyên nghiên cứu về dạ dày – ruột ở trẻ em Marsha H. Kay, đồng thời là trưởng khoa nội soi nhi khoa thuộc bệnh viện Cleveland Clinic Children's Hospital ở Ohio cho biết: “Trẻ khi gặp khó khăn trong việc đi ngoài có thể sẽ giữ phân lại trong cơ thể chứ không tống hết ra ngoài. Việc này nếu lặp đi lặp lại sẽ hình thành cho trẻ một thói quen xấu và khiến trẻ không thể phát triển bình thường. Phân bị kẹt trong cơ thể tích tụ và trở nên khô cứng, khiến trẻ thấy đau đớn mỗi lần đi ngoài và không muốn đi ngoài nữa”.

Ngoài ra, trẻ trốn đi ngoài có thể do:

  • Xấu hổ
  • Ham chơi
  • Chỉ muốn sử dụng nhà vệ sinh của nhà mình
  • Lo lắng về việc sử dụng nhà vệ sinh đúng cách
  • Cảm thấy không cần phải đi vì đã nhịn quen rồi

Điều đầu tiên cần làm để giảm bớt đau đớn do táo bón gây ra cho con là phải bổ sung thêm chất xơ và chất lỏng vào thực đơn hàng ngày.

Bác sĩ Kay cũng nói thêm rằng: “Chất xơ có tác dụng làm mềm phân, giúp cho trẻ đi ngoài dễ dàng và không còn giữ lại phân trong cơ thể”.

Để khuyến khích con đi vệ sinh và kiểm soát bệnh táo bón, bạn cần:

  • Khuyến khích con đi ngoài ngay khi con cảm thấy buồn chứ không đợi đến lúc không thể nhịn được nữa mới đi
  • Tạo cho trẻ cảm giác thoải mái khi đi ngoài, đừng giục trẻ phải đi nhanh
  • Tạo cho trẻ thói quen đi ngoài vào thời điểm nhất định trong ngày
Theo:  khoevadep.com.vn copy link