Những tư thế ngồi không tốt cho mẹ bầu

12:45, Thứ ba 25/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tư thế ngồi khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ lẫn em bé. Dưới đây là một số tư thế ngồi sai bà bầu nên tránh và cách ngồi để tránh cho các mẹ bầu bị sảy thai.

Những tư thế ngồi không tốt cho mẹ bầu:

Ngồi bắt chéo chân hay gập gối

Chị em thường hay bắt chéo chân khi ngồi vì tư thế này khá duyên nhưng thói quen này góp phần làm hạn chế sự lưu thông máu, giãn tĩnh mạch. Đặc biệt, phù chân là hiện tượng hay gặp ở các bà bầu, tư thế này càng khiến máu dồn về phía chân gây to chân thêm. Ngoài ra, khi có bầu, chị em không nên gập gối vì sẽ khiến lưng dưới bị đặt nặng áp lực. Ngược lại, phụ nữ có thai nên phân đều lực lên cả hai chân, ngồi thẳng lưng.

Tư thế ngồi sai ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Ngồi không tựa lưng

Tư thế ngồi không tựa lưng sẽ khiến bạn bị đau lưng. Tốt nhất, các bà bầu nên để lưng được hỗ trợ bằng vật tựa và luôn giữ cho cột sống thẳng. Tránh ngồi ghế đẩu hoặc ghế có tựa lưng thấp khi mang thai.

Ngồi ngửa, thõng vai

Thông thường khi ở nhà, chúng ta hay ngồi ngửa người, bụng cao, vai buông thõng. Tuy nhiên, tư thế ngồi này không thích hợp cho thai phụ vì nó sẽ khiến vùng lưng phía dưới bị đặt trong tình trạng căng thẳng và gây đau.

Ngồi gập người về phía trước

Tư thế ngồi này tạo áp lực lên bụng, không những khiến cho mẹ bầu thấy không thoải mái mà còn gây nguy hiểm cho thai nhi. Trong giai đoạn thai nhi đang phát triển, ngồi gập có thể khiến lồng ngực của bạn để lại dấu tích vết vĩnh viễn trên cơ thể mềm mại của đứa bé.

Ngồi nửa mông

Chị em thường ngồi nửa mông mỗi khi trên giường nhưng theo các chuyên gia, tư thế ngồi này gây nhiều áp lực lên cột sống. Đó là lý do tại sao thai phụ thường cảm thấy đau nhói ở lưng khi ngồi lâu tư thế này.

Tư thế ngồi để tránh sảy thai cho bà bầu

Tư thế ngồi ghế

- Phải ngồi sâu vào trong ghế, lưng tựa thẳng vào lưng ghế. Nếu ngồi ở mép ngoài ghế sẽ bị trượt, nếu ghế không ổn định còn có nguy cơ bị ngã.

- Khi ngồi ghế có lưng dựa, phải xếp khớp đầu gối cho đùi và cẳng chân vuông góc, đùi song song với mặt đất.

- Khi ngồi không được đặt ịch mông xuống ghế, trước tiên bạn nên đặt mông xuống phía ngoài rồi đẩy mông xuống vào phía trong.

Độ cao của bàn, bệ

Độ cao của bục là quần áo hoặc bồn rửa trong bếp nên ở vị trí vừa tầm để thai phụ không phải khom người hoặc rướn người.

Tư thế lên xuống cầu thang

Khi lên cầu thang, bạn không được khom lưng hoặc quá ưỡn ngực, ưỡn bụng, bạn nên duỗi thẳng lưng. Lúc xuống cầu thang, các bà bầu cần chú ý nhìn rõ các bậc cầu thang, bước lên, xuống chậm rãi và chắc chắn. Không nên chỉ bước bằng mũi chân, vì dễ gây nguy hiểm do ngã.

Thời gian cuối của thai kì, do bụng bà bầu nhô ra phía trước, che khuất tầm nhìn nên bạn có thể không thấy được bàn chân mình. Vì thế, bạn nên chú ý đặt bàn chân vững chắc rồi mới di chuyển thân thể. Nếu có tay vịn, nhất định bạn phải vịn vào tay vịn khi lên, xuống

Tư thế khi nhặt các đồ vật

Khi nhặt các đồ vật trên mặt đất, trước tiên bạn phải gập đầu gối, sau đó hạ eo xuống, ngồi xuống vững chắc rồi mới nhặt đồ vật. Sau khi nhặt đồ vật xong, bạn nên đứng thẳng lên. Tuyệt đối không được khom người khi nhặt đồ vật.

Những động tác nên tránh trong lúc mang thai

Các bà bầu nên tránh làm các động tác như: điều khiển máy hút bụi, quỳ gối lau nhà, ngồi gập chân ra phía sau, mang xách nhiều đồ, đi xe đạp chở nhiều đồ, ngồi xổm, đứng quá lâu, đứng trên ghế để kiễng hoặc với…

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy