Con người có hai loại tính cách chính là hướng nội và hướng ngoại. Đặc điểm của hướng nội là điềm tĩnh và chậm chạp, còn hướng ngoại là nóng nảy và linh hoạt. Vì thế trẻ hiếu động thường là các bé có tính hướng ngoại. Đây là một tính cách nên không thể thay đổi được mà chỉ có thể hướng trẻ vào các hoạt động hữu ích thay vì bắt trẻ ngôi yên.
Trẻ có tính hiếu động thể hiện sự năng động, luôn vận động, tò mò, tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Khả năng tìm tòi, khám phá... được nhìn nhận là rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ của trẻ.
Trẻ có tính hiếu động còn được các chuyên gia nhận định là thông minh và tính hiếu động là khả năng tuyệt vời của trẻ. Ngược lại, trẻ có tính hiếu động mà bị cha mẹ cho là xấu và cấm đoán, ngăn cản bằng nhiều hình thức như đe dọa, đánh, nhốt... để đừng quậy nữa sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ và vô tình cản trở sự phát triển tốt của trẻ.
Còn tình trạng hiếu động do rối nhiễu tâm lý thường kém theo một số dấu hiệu khác mà đặc trưng nhất là việc chậm nói, hay nói rất ít nhưng lại như con lật đật, không thể tập trung làm bất cứ điều gì, ngay cả trong các trò chơi của trẻ ..v..v Đây chính là cơ sở để giúp bố mẹ phân biệt được đâu là hiếu động do tính cách và hiếu động do rối nhiễu.
Trẻ hiếu động do tính cách thì phát triển ngôn ngữ bình thường, cũng có thể chậm nhưng không quá trễ như trẻ chậm nói. Ngoài ra, trẻ có thể tập trung trong việc chơi những trò chơi ưa thích đến 5 – 10 phút hay hơn, còn trẻ hiếu động do rối nhiễu tâm lý (ta gọi đó là hội chứng hiếu động kém chú ý – ADHD ) thì không thể tập trung ngay cả trong việc chơi vì trẻ không có hay rất kém khả năng chú ý, từ đó sinh ra hiếu động và cần có những chương trình can thiệp bằng tâm lý thì mới có thể giúp trẻ giảm bớt phần nào tình trạng rối nhiễu này.
Để giúp cho trẻ có thể tập trung hơn vào việc học, chúng ta cần vận dụng các nguyên tắc sau:
- Tạo hứng thú cho việc học tương tự như một trò chơi.
- Thay đổi nội dung buổi học cho đa dạng hơn, có thể học xen kẽ giữa một vài môn học cho trẻ không nhàm chán. Có đôi khi bé có thể tập trung học lâu hơn thời gian bạn quy định, nếu vậy thì hãy tìm hiểu động lực nào giúp bé tập trung trong thời gian lâu như vậy? Bé thích làm bài tập này, bé thích ngồi học ở đây hoặc vì nguyên nhân nào khác?
- Thời gian học và chơi phải xen kẽ với nhau: hãy để cho trẻ tự chọn chúng thích chơi trước hay sau hay giữa giờ học. Lúc bé chơi là lúc bé thư giãn và sau đó bé có thể tập trung tốt hơn. Cho bé chơi một khoảng thời gian thích hợp rồi nhắc nhở bé quay trở lại bàn học, tập trung làm và học cho hết bài.
Ngoài ra, một số yếu tố có thể gây ra những ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ :
- Sự ồn ào : Thật khó có thể tập trung trong một môi trường nhiều tiếng động.
- Sự bề bộn và nóng bức: Một bàn học bề bộn và một căn phòng nóng bức sẽ rất khó để cho trẻ tập trung.
- Sự mệt mỏi : Ta cũng cần lưu ý đến tình trạng sức khỏe của bé, tránh việc bắt trẻ phải ngồi vào bàn học ngay sau các bữa ăn.
Nếu áp dụng được những kỹ năng này và khắc phục được những khó khăn nêu trên, chúng ta sẽ giúp cho các em có những điều kiện tốt để cải thiện việc học của mình.