1. Chu kì kinh nguyệt không đều
Chu kì kinh nguyệt không đều (quá ngắn - dưới 24 ngày hoặc quá dài - hơn 35 ngày) thì khả năng trục trặc trong sinh sản càng cao. Vì chu kì kình nguyệt không đều sẽ ảnh hưởng tới quá trình rụng trứng và chất lượng trứng. Nếu bạn gặp tình trạng chu kì kinh nguyệt không đều, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
2. Thừa cân
Phụ nữ thừa cân hoặc thiếu cân đều có thể bị vô sinh, vì trong cả hai trường hợp trên, người phụ nữ đều có thể gặp rắc rối về nội tiết, ảnh hưởng đến mức độ hormone trong cơ thể dẫn đến giảm cơ hội thụ thai.
Nếu muốn nhanh có con, bạn cần duy trì một trọng lượng cơ thể phù hợp, tránh tăng cân quá nhiều hoặc thiếu cân trầm trọng.
3. Mắc các bệnh mãn tính
Người phụ nữ mắc các bệnh mãn tính như suy giáp, tiểu đường, trầm cảm, viêm loét dạ dày tá tràng... có thể dễ bị vô sinh hơn những người khỏe mạnh. Đó là do thuốc trị các bệnh này có thể ảnh hưởng đến cơ chế rụng trứng và thụ thai trong cơ thể người phụ nữ. Vì vậy, nếu bạn bị những vấn đề này và đang mong mỏi có con thì hãy nói chuyện với bác sĩ để được kê các loại thuốc khác, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng có thai của bạn.
4. Có tiền sử sẩy thai
Các nghiên cứu chỉ ra rằng gần 30% phụ nữ từng bị sẩy thai hoặc sẩy thai liên tiếp 3 lần sẽ có khả năng bị vô sinh, hiếm muộn cao hơn những chị em có sức khỏe sinh sản tốt.
Những yếu tố nguy cơ gây sẩy thai liên tiếp bao gồm: Do tử cung có vách ngăn, hở eo tử cung, tử cung dị dạng, nhân xơ tử cung, polype lòng tử cung, dính buồng tử cung, do yếu tố tự miễn. Các nguyên nhân khác như hội chứng kháng phospholipid, bệnh nội tiết, thiểu năng hoàng thể thai kỳ, bệnh tiểu đường, hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lý tuyến giáp, tăng prolactin/máu, bệnh lý di truyền, bất thường nhiễm sắc thể, bất thường gen. Vậy nên, nếu thường xuyên bị sẩy thai, bạn cần hết sức chú ý và đi khám cẩn thận.
5. Mắc bệnh lây qua đường tình dục
Những phụ nữ đã bị các bệnh tình dục hoặc nhiễm trùng tình dục như chlamydia, lậu, mụn cóc sinh dục... cũng có thể gặp khó khăn để mang thai vì hệ thống cơ quan sinh sản dễ bị tổn thương.
6. Trục trặc ống dẫn trứng
Ống dẫn trứng là con đường để trứng đi từ buồng trứng tới tử cung. Nếu có trục trặc gì đó trên con đường này, bạn sẽ khó thụ thai. Những trục trặc liên quan đến ống dẫn trứng chiếm đến 35% tổng số vấn đề gây vô sinh. Khi đi khám vô sinh, bác sĩ có thể chỉ định bạn chụp cản quang ống dẫn trứng để kiểm tra có tắc ở đoạn nào không. Những chị em từng bị bệnh lây truyền qua đường tình dục, phẫu thuật ổ bụng và một số yếu tố khác có nguy cơ bị tắc ống dẫn trứng cao hơn.
Một số nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn ống dẫn trứng có thể do: viêm vùng chậu, mắc bệnh tình dục... Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ phải tiến hành phẫu thuật để loại bỏ phần tắc nghẽn hoặc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm để có thể có thai.
7. Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang là một tình trạng bệnh có thể ngăn chặn sự phát triển của buồng trứng. Tình trạng này xảy ra cùng với sự mất cân bằng nội tiết tố và dẫn đến rụng trứng không thường xuyên, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Biểu hiện của hội chứng buồng trứng đa nang bao gồm kinh nguyệt không đều, mụn trứng cá và béo phì... Những phụ nữ mắc buồng trứng đa nang cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện cơ hội thụ thai.
8. Qua tuổi 35
Khi bạn ở độ tuổi 20, cơ hội có thai (khi sex không dùng biện pháp tránh thai) là 25%. Qua tuổi 35, con số này giảm xuống còn 15% và còn ít hơn nữa (10%) khi bạn sang tuổi 40. Khi bạn 42 tuổi, cơ hội xuống dưới 1%.
Nếu bạn dưới 35 tuổi, quan hệ tình dục thường xuyên và có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, cơ hội có thai trong vòng một năm là khoảng 85%. Nếu bước qua tuổi 35 và đã cố gắng ít nhất trong vòng 6 tháng nhưng vẫn không có kết quả thì nên gặp các chuyên gia để được tư vấn những biện pháp can thiệp kịp thời.