Câu chuyện 7. Con đi tướt
Mẹ MebeSach – “Hôm đó con mọc răng nên tướt, lúc đó thì không biết lý do đâu nha, mỗi vài phút lại ị một lần làm con mất giấc ngủ. Hai vợ chồng xót con quá, suy diễn "chắc vì ị không thẳng chỗ nên mới lắt nhắt vậy, hay mình bơm đít cho con đi".
Thế là bố mẹ đem thằng nhỏ ra bơm; con khóc, con giãy, mẹ đè, bố bơm. Kết quả là thằng nhỏ có ị được gì đâu, tướt mà, đâu phải bón mà bơm. Sau lần đó, trong phân của con có máu thế là ẵm con đi bác sĩ, đem phân đi xét nghiệm.
Thời gian chờ kết quả xét nghiệm, ruột gan nóng không chịu nổi. Và kết quả cũng chẳng bị gì. Vợ chồng về nhà, vạch đít con ra xem thì thấy... một lỗ. Lúc đó vợ chồng mới tá hỏa, con bị tướt, đi nhiều lần, chỗ đó bị tấy đỏ và ẩm ướt nên mềm và rất dễ tổn thương, lúc bơm cho con, con không chịu nằm yên nên bố đâm không vào đít mà lại vào thịt.
Bây giờ ngồi xem lại ba cái nhật ký và nhớ lại chuyện hồi xưa thấy sao mà "dở hơi" hết sức. Thỉnh thoảng lại chọc chồng "Nghiên cứu làm gì, tiến sĩ làm gì, con bị tướt mà lại đem đi bơm đít”.
Câu chuyện 8. Ai xin thì cho
Mẹ Thankyou – “Hai vợ chồng quen thói ngủ muộn, dậy trễ, những ngày đầu đưa con về, cứ tưởng con ăn ngủ ngày ba lần như người lớn nên vợ chồng cũng bê nguyên công thức "sáng, trưa, chiều" cho con.
Khổ cái hôm đưa con về là buổi chiều nên sau khi cho con ních 1 bụng no nê, hai vợ chồng lăn quay ra ngủ, đến 1-2 tiếng sau con khóc đòi bú, hai đứa luýnh quýnh chả biết lý do gì. Hết chồng rồi lại đến vợ thi nhau bế, rồi vừa rung vừa lắc, mệt cả người. Mẹ chồng thì ngày xưa đẻ có người chăm con nên cũng chả có tí kinh nghiệm gì.
Bực bội, ông xã cho thằng cu vào nôi rồi tông thẳng ra khỏi phòng hét: "Mai mẹ mang nó đi cho ai thì cho đi, khóc vầy sao mà ngủ nổi". Chẳng biết nghĩ gì, mình pha bình sữa đút thẳng vào miệng con và thấy nó im, thế rồi từ đó, điệp khúc thức đêm cho đến mãi bây giờ, may mà hôm đó không có ai xin, chứ không chắc cho con luôn quá. Lâu lâu hai vợ chồng nhắc lại vẫn tỏm tẻn cười rồi ôm thằng con hôn hít.”
Câu chuyện 9. Miếng lót phân su
Mẹ mebebia – “Được cô bạn mách là có miếng lót hai chiều rất tốt khi bé ị phân su, mình đi mua một túi, cộng thêm nửa túi cô bạn cho nữa, kể ra cũng khá nhiều. Ngày đầu không vấn đề, vì đúng một ngày sau khi sinh bé mới ị phân su, lại cũng chưa đái mấy nên vẫn thấy bình thường, thấy là thay thôi.
Sau khi ở viện về bắt đầu dùng tã giấy, hai vợ chồng cứ nghĩ miếng lót đấy tốt thế, lót thêm vào cho nó khỏi thấm vào tã giấy, dùng được lâu hơn. Ai dè, nó không thấm xuống tã mà nó thấm ngược trở lại, ướt hết cả quần áo và người cu con (tác dụng với phân su thôi mà, làm sao thấm nước được).
Cứ thế cái điệp khúc thay tã là phải thay quần áo. Phải đến ngày thứ 5 hay 6 gì đó, hai vợ chồng mới loay hoay nghiên cứu và tìm ra... thủ phạm. Cũng may, trộm vía cu con chả hề hấn gì, không bị lạnh hay bị sao cả. Bố mẹ thật là... quá ngố!”.
Câu chuyện 10. Không thèm bú bình
Mẹ mebebia – “Tháng đầu, con mình ngày nào cũng bú một bình sữa ngoài, dù mẹ đủ sữa từ sau khi sinh được một tuần. Sau khi đầy tháng được mấy ngày, mình cho con về quê nội, phần vì trời rất lạnh, phần vì ai cũng bảo sữa mẹ tốt thế (trộm vía, con tớ tháng đầu cũng tăng được 1.7kg) cần gì ăn sữa ngoài, mẹ cháu cũng chả nghĩ ra vắt sữa ra bình cho con ti, nghĩ là sau này tập bú bình dễ ấy mà, thế là không cho con bú bình nữa.
Tai hại chưa, 15 ngày sau, bắt đầu cho con uống trà bằng bình thì ôi thôi, con không thèm bú bình nữa. Tập đi tập lại, tập tới tập lui, quyết tâm cho con tập mà cũng bó tay. Kết quả: được 4 tháng mẹ đi làm là con phải ăn bột ngọt, không thèm bú bình mà, sữa thì đút thìa khổ sở lắm ấy. Cũng may mẹ đi làm nhàn, ít giờ nên con không đến nỗi khát sữa lắm.
Mãi đến khi được 6 tháng, vào 1 ngày đẹp trời, mẹ tập cho con bú bình lại, con làm luôn 150ml, mẹ mừng rơi nước mắt. Ấy thế mà được 7 ttháng, về quê nội, sau một trận ốm ba ngày thì con cũng “bai bai” luôn cái bình, tốn tiền mẹ mua thêm cái bình 240ml, vì nghĩ con sẽ phải uống được nhiều hơn nữa."
Kề từ đó đến giờ, ngày nào mẹ cũng đều đặn đút bằng thìa 2 bữa sữa cho con, khổ lắm các mẹ ạ. Lúc chưa biết ngồi, đút nằm ấy, đút dc 150ml thì cũng cực lắm. Con biết ngồi rồi thì cũng khổ, mới đầu chả đút được vì cứ cho thìa sữa vào là không thèm há mồm... Trộm vía chỉ sau một tuần ăn ngồi, việc đút sữa cho con tương đối dễ dần, ít rớt ra ngoài, có hôm 180ml mẹ đút 10' là hết. Nhưng tóm lại, bú bình vẫn nhàn và sạch hơn nhiều, đút thìa lích kích lắm.”
Câu chuyện 11. Ăn quýt
Mẹ MecuTit08 – “Hồi con mình được 4 tháng là mình đã phải đi làm lại rồi. Bé vẫn bú sữa mẹ hoàn toàn, bà ngoại em trông bé ban ngày đến khoảng 4 rưỡi thì gửi bé cho bà nội trông để bà về đón cháu. Mẹ cháu về muộn bà cũng chả pha sữa cho cháu uống gì cả cứ chờ mẹ cháu về thôi.
Mấy hôm đó bà kêu sao thằng bé người cứ hâm hấp sốt, đến tối ăn uống xong vợ chồng em đón cháu lên nhà thì không thấy sốt nữa. Tự nhiên mấy hôm đấy bé nhà em đi ị phải rặn mà trước đó chưa bao giờ vì toàn ti mẹ mà, đã thế trong phân của bé em còn thấy có những rây li ti màu đỏ chỉ bé như con giun kim thôi.
Vô tình một hôm đi làm mình lướt web thấy có bài báo nói là bé mà ăn nhiều quýt sẽ bị sốt. Thế là em về hỏi bà nội ở nhà có cho cháu ăn gì thêm không thì lúc đấy bà mới khoe là cho nó ăn hết cả quả quýt (tất nhiên là chỉ là nước thôi) thì quả đúng như vậy. Em liền cảnh báo bà luôn là không được cho cháu ăn quýt như thế vì sẽ hại dạ dày với lại nó bị sốt cũng vì ăn quýt đấy. Bà cũng buồn và thương cháu lắm.
Thế là thằng bé nhà mình bây giờ rất hay bị táo bón nó đi cứ phải rặn đỏ cả mặt mặc dù em có cho bé ăn đầy đủ rau và khoai lang nhé. Thương con lắm nhưng chả biết thế làm thế nào, có lẽ dạ dày bé bị ảnh hưởng do ăn quýt sớm quá.
Câu chuyện 12. Truyền dịch
Mẹ Nenvang – “Còn đây là kinh nghiệm của mình, dù đã gần 1 năm rưỡi rồi mà nghĩ lại em vẫn thấy ân hận vì sự đoảng của mình. Con khi đó được hơn 1 tuổi, cháu ốm phải vào viện Nhi, được bác sỹ cho truyền dịch. Trong viện, giờ hành chính chỉ được một mẹ một con thôi, sáng vội đưa con đi viện không mang theo bỉm cho con. Khi truyền nhiều nước vào thì con bị đi ngoài tung tóe ra quần, em chỉ để ý lau chùi cho con mà quên mất giữ tay đang truyền dịch cho con.
Cu cậu thì nghịch, thế là tay còn lại giật phắt luôn đầu cắm kim truyền, máu cứ thế theo đường kim mà ra. Lúc em phát hiện ra thì đã thấy một vũng máu dưới chân mình. Miệng em thì cứng lại, chân tay run lập cập mãi mới nhờ người gọi bác sỹ được. Vũng máu đó em phải lau gần hết 2 cuộn giấy vệ sinh mới hết.
Có lẽ vì mất máu nhiều mà sau đợt ốm đó con em gầy và xanh rõ rệt, dù có tẩm bổ chăm chút mãi mà cu cậu vẫn không thể lấy lại được phong độ như trước khi ốm. Giờ cứ mỗi lần nghĩ lại là em lại ân hận và luôn tự trách mình.”
Câu chuyện 13. Pha sữa cho con
Mẹ mebobothing – “Em trai mình mới có đứa con đầu lòng, hai vợ chồng nó chăm sóc kỹ lắm, thằng bé thì háu ăn hễ ngủ thì thôi dậy một cái là miệng mồm khóc toáng lên. Hôm nọ có cô bạn cho hai quả gấc to lắm, bà định để nấu xôi nên mới mua hay xin đâu nửa lít rượu trắng đựng trong chai nước suối để bóp gấc cho nó đỏ, bà xin về lại bỏ vào trong tủ lạnh.
Thằng bé ngủ dậy khóc toáng lên, mẹ giục bố đi pha sữa cho con, bố rót nước sôi ra bình sữa thấy nước nóng quá mới mở tủ lạnh lấy nước nguội thêm vào cho đỡ nóng rồi pha sữa đưa cho mẹ nó, mẹ đút ngay vào miệng con, thẳng bé nút mạnh một cái ... bỗng ọc sữa ra ho sặc sụa, đỏ hết cả mặt mày khóc ré lên.
Bố mẹ hết hồn, lúc đó mới thấy mùi rượu nồng nặc thì ra bố nó lấy nhầm chai rượu pha sữa cho con. Sau này bà cứ mắng "Bố mẹ mày định đào tạo bợm nhậu hả?".