Chiều muộn ngày mùng 5 Tết, nhiều người đi lễ chùa không khỏi ngạc nhiên khi liên tục nghe những tiếng khóc ở một góc chùa chùa Bửu Trì, phường Xuân Khánh (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ).
Đó là 3 bé sơ sinh nằm ở 3 góc trong một chiếc nôi. Bé nào bé nấy đều hồng hào, khôi ngô tuấn tú.
3 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng chùa chùa Bửu Trì. |
Khi người dân đến, có bé khóc thét lên vì khát sữa, có bé nằm dọc ngang ngủ ngon lành.
Các sư cô ở chùa Bửu Trì cho biết, trước đó, trong các ngày 5/1; 7/1 và 15/1/2014, mỗi sáng mở cửa ra là phát hiện một bé trai được quấn chặt trong tấm khăn bỏ trước cổng chùa.
Khi phát hiện các bé sơ sinh, vị trụ trì đều trình báo với chính quyền địa phương và công an, làm các thủ tục cần thiết.
Nói về 3 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi này, ni cô Võ Thị Soa (pháp danh Diệu Định) là người trực tiếp chăm sóc nói: “Có lúc trở tay không kịp vì cả 3 con cùng khóc một lúc, đòi uống sữa, vệ sinh, thay tã lót xoay vòng liên tục trong ngày. Nhưng chúng tôi đều vui”.
Được biết, 2 trong 3 bé đã có tên trong giấy khai sinh là Trần Hoàng Long và Trần Hoàng Duy.
Cả 3 bé đang lớn lên từng ngày trong vòng tay các sư cô.
Đây không phải là lần đầu các sư cô ở chùa Bửu Trì phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng. Trước đó, đã có hàng chục đứa trẻ được nhà chùa cưu mang nuôi dưỡng, ăn học lớn lên thành người.
Một mình sư cô 78 tuổi chăm 3 đứa trẻ sơ sinh tội tình. |
Những năm gần đây, tình trạng giết hoặc vứt bỏ trẻ sơ sinh mà người thực hiện hành vi này là cha mẹ hoặc người thân của trẻ sơ sinh diễn ra ngày càng nhiều, gây dư luận bất bình trong xã hội.
Tại các trung tâm nhân đạo hoặc trung tâm bảo trợ xã hội, chúng ta có thể gặp rất nhiều hoàn cảnh trẻ sơ sinh bị bỏ rơi rất đáng thương. Không ít trẻ bị bỏ rơi ở ven đường, công viên hoặc bị bỏ trong thùng rác, nhà vệ sinh công cộng...
Theo đánh giá của các chuyên gia y tế thì hiện tượng hiếm muộn con ngày càng nhiều nhưng hiện tượng giới trẻ có quan hệ sớm có con ngoài ý muốn cũng ngày một gia tăng.
Trao đổi với PV, phó giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê Hương Phan Văn Bảy nhận định: "Nhiều năm làm việc ở Trung tâm, tôi không nhớ có bao nhiêu trường hợp đáng thương của những đứa trẻ sơ sinh được đưa vào đây. Có rất nhiều những hoàn cảnh không thể lý giải được nguyên do tại sao những đứa trẻ lại bị bỏ rơi một cách đáng thương như vậy. Nhưng đa phần các trường hợp là nam nữ công nhân, sinh viên có con ngoài ý muốn nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng, hoặc nhiều người vì muốn che giấu nên đã bỏ con nơi vỉa hè, góc chợ... và được Trung tâm nhận về nuôi".
Ông Bảy cho rằng hoàn cảnh kinh tế, sự buông thả trong lối sống của giới trẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "con rơi" ngày càng nhiều hơn. Có nhiều người còn hành động thiếu suy nghĩ, đặt con ở nơi vắng người qua lại, không ai biết đến và hậu quả là những đứa trẻ bị chết rất đáng thương ngày một được báo chí đăng tải nhiều. Để con ở bãi rác, thả con trôi sông, để đứa trẻ bị kiến đốt đến chết… là một hiện tượng đáng buồn và cần lên án. Theo ông Bảy, đã đến lúc mọi người cùng nhìn nhận lại vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản đến vị thành niên để có những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi hiện trạng này.