3 điều "cấm kị" và 4 đối tượng không nên uống cà phê kẻo mang "hoạ" vào người

( PHUNUTODAY ) - Đây là những điều bạn cần ghi nhớ khi uống cà phê để tránh mang mầm bệnh vào người:

1. Điều cấm kị khi uống cà phê

Không pha cà phê có nồng độ quá đặc

Cà phê chứa caffeine - một chất kích thích làm hưng phấn hệ thần kinh mạnh hơn trà, vì vậy, uống cà phê được cho là một cách vực lại tinh thần làm việc và chống chọi với cơn buồn ngủ hiệu quả. Cà phê có tác dụng trong việc làm giãn nở và thu nhỏ các nhánh phế quản, tác động đến hệ tim mạch, làm tăng khả năng cung cấp máu của tim, làm tăng nhịp đập của tim. Vì vậy, nếu uống những ly cà phê đậm đặc sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp cũng tăng và xuất hiện những hiện tượng khác thường như: nôn nóng, sốt ruột, bất an, ù tai và chân tay run. Với những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành còn có thể dẫn tới những cơn đau thắt tim.

dai ki khi uong ca phe-phunutoday12

Với những người quá nhạy cảm với caffeine, không nên uống cà phê quá đặc hoặc có thể chọn những loại cà phê có hàm lượng caffeine thấp.

Không uống quá nhiều cà phê trong ngày

Cà phê là một nguồn cung cấp năng lượng rất tốt, nhưng khi tiêu thụ quá mức lại rất có hại. Một số người vì công việc và vì “nghiện” cà phê, có thể uống 4,5 ly cà phê với hàm lượng caffeine cao mỗi ngày. Song, làm như vậy về lâu dài rất có hại cho sức khỏe. Sử dụng quá nhiều caffeine có thể gây lo âu và kích thích. Về lâu dài, bạn có thể bị phụ thuộc vào caffeine để duy trì sự tỉnh táo. Nếu bạn thực sự phải uống nhiều cà phê, hãy lựa chọn loại đã khử hoặc đã giảm bớt caffeine.

Không uống cà phê khi đang uống thuốc

Thuốc và cà phê không được dùng cùng nhau vì nếu không sẽ làm cho dạ dày bị kích thích ở cường độ mạnh. Ngoài ra, chất caffeine trong cà phê có thể gây tương tác với một số dược phẩm như làm mất tác dụng của thuốc an thần gây ngủ, hoặc một số loại kháng sinh khi uống cùng lúc với cà phê sẽ làm tăng tác dụng kích thích của caffeine. Vì vậy, khi uống thuốc nên tránh uống cà phê, nếu uống phải đảm bảo thời gian cách xa từ 2 - 3 giờ.

2. Đối tượng không nên uống cà phê

- Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú

Theo các bác sỹ nhi khoa, khi người mẹ uống cà phê, chất cafein có thể trực tiếp đi vào thai nhi thông qua nhau thai và hưởng đến sức khỏe của bé. Nhiều nghiên cứu cho thấy cafein thể kìm hãm sự phát triển của thai thông qua các tác động bất lợi lên hệ tim mạch và hệ sinh sản. Những người mẹ uống nhiều cà phê lúc mang thai thường có các em bé nhẹ cân hơn so với người không uống.

Ngoài ra, các bà mẹ đang trong thời kỳ cho con bú cũng không nên uống cà phê. Bởi chất cafein trong thức uống này có thể thông qua máu đi vào sữa mẹ. Do chức năng chuyển hóa và chức năng bài tiết của thận ở trẻ còn yếu, do đó sẽ khiến trẻ khi bú sữa mẹ có thể phát sinh tâm trạng căng thẳng, dễ cáu, lo lắng hoặc hiếu động. Trong trường hợp không thể cưỡng lại thì bạn có thể cho bé bú trước khi uống cà phê, đồng thời uống bổ sung thêm nhiều nước sau đó để loại bớt chất cafein ra ngoài.

- Người đau dạ dày

Nếu bạn bị đau dạ dày thì càng không được dùng cà phê. Bởi caffein trong cà phê giúp lợi tiểu, khiến bạn "đi" nhiều lần, càng gây mất nước. Mà bạn cần nhớ rằng cơ thể phải đủ nước thì hệ thống miễn dịch mới hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, Cafein cũng sẽ kích thích tiết acid gastric, bất lợi đối với quá trình bình phục của bệnh nhân.

Không chỉ vậy, nhiều axit được tìm thấy trong hạt cà phê có thể gây kích ứng dạ dày và niêm mạc ruột non. Uống cà phê khi dạ dày trống rỗng có thể kích thích dạ dày tăng tiết axit.

Đặc biệt, uống cà phê cũng có thể gây kích ứng niêm mạc ruột non, gây tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích. Trào ngược axit và ợ nóng có thể được gây ra bởi cà phê bởi nó làm giãn cơ vòng thực quản dưới. Các cơ vòng này sẽ đóng kín lại sau khi chúng ta ăn để ngăn không cho thức ăn và axit trong dạ dày trào ngược lên trên thực quản.

- Người mắc bệnh cao huyết áp

Cafein là chất gây co mạch, tăng áp lực của dòng máu, khiến huyết áp tăng. Do đó, các bác sỹ khuyên nên hạn chế uống cà phê hoặc một số loại nước giải khát chứa các chất kích thích giúp cải thiện được bệnh cao huyết áp của bạn.

- Nhóm người có bệnh tim mạch

Cà phê cũng có thể gây ra sự kích thích lên hệ thần kinh trung ương và cả hoạt động, chức năng của hệ thống tim mạch. Bệnh nhân bệnh tim vốn dĩ có các rào cản chức năng tim riêng, lượng caffeine chứa trong cà phê lớn sẽ làm tăng thêm sự kích thích lên hoạt động của tim. Do đó, những người bị rối loạn tim mạch hoặc không dung nạp caffeine thì không nên uống cà phê.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link