Cách cư xử hàng ngày có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ hạnh phúc vợ chồng. Khi yêu nhau, ai cũng chỉ nhìn thấy mặt tốt của đối phương. Thế nhưng tới khi kết hôn sống chung, cả ngày trừ lúc đi làm thì thời gian còn lại đa phần phải chung đụng với bạn đời nên rất dễ xảy ra chán ngán, mâu thuẫn hay tệ hơn là chuyện “ăn vụng”.
Thật khó có thể ngụy biện cho hành vi phản bội của người chồng, nhưng đôi khi chính cách cư xử kém của vợ lại vô tình đẩy chồng mình ra xa hơn.
Nhiều phụ nữ chỉ thích quát tháo, gắt gỏng, sai khiến chồng, mà đàn ông thì cực kỳ sĩ diện, anh ta chắc chắn sẽ cảm thấy mất mặt và sinh chống đối, chán ghét vợ.
Phụ nữ nếu cứ cư xử theo một trong ba cách bên dưới, hay tệ hơn là dính hết cả 3 thì nhanh chóng thay đổi nha. Đôi khi chồng không có gái lạ bên ngoài nhưng do vợ quá quắt nên khiến hôn nhân nguội lạnh đấy.
Hay đay nghiến chồng
Nhiều phụ nữ hay có tính này nhưng lại không nhận ra bản thân đang mắc phải. Cứ nghĩ mà xem, chẳng ai thích sống cạnh một người cứ thích nói đi nói lại mãi một vấn đề, đã thế với thái độ hằn học.
Hãy tập là một người “phổi bò”, nói một lần nếu không có kết quả thì mặc, thay vì cứ mãi nhắc đi nhắc lại một vấn đề. Nếu chồng không có ý giúp vợ làm việc nhà, cứ để đấy, hôm sau không nấu ăn và mấy mẹ con dắt nhau ra quán ăn thay vì cứ mãi đay nghiến.
Nếu chồng phạm một lỗi nào đó nếu không quá nghiêm trọng như chuyện ngoại tình, hãy tập cách bao dung bỏ qua, lựa lời khuyên bảo hơn là hằn học đay nghiến dễ khiến đối phương “nổi khùng” rồi nảy sinh cự cãi.
Đừng tự biến bản thân thành một phụ nữ chỉ giỏi “lẻm bẻm lèm bèm” bên tai chồng con. Dù có là chồng vợ hay con cái nhưng mỗi người đều là một cá thể riêng biệt, đừng cố bắt họ phải sống theo ý mình.
Kiểm soát quá đà
Một trong những điều khiến nhiều người chán ngán hôn nhân là bị đối phương kiểm soát gắt gao đến mức nghẹt thở. Kiểm soát quá đà sẽ dẫn đến việc đối phương bức bối, cảm thấy cuộc sống cá nhân không được tôn trọng và từ đó cố gắng vẫy vùng để phản kháng.
Dù có là vợ chồng cũng phải tôn trọng đối phương, để họ có không gian riêng. Đàn ông có thể tụ tập cùng hội bạn xem trận bóng, phụ nữ có thể hẹn bạn đi mua sắm, làm tóc hay sơn bộ móng… Đừng tự biến mình thành tầm gửi, dính chặt lấy chồng suốt 24/24 khiến anh ấy cảm thấy bị “ngợp thở” mỗi khi về nhà.
Dĩ nhiên cũng cần tạo niềm tin nơi vợ/chồng rồi nghĩ đến chuyện có cuộc sống cá nhân. Thực tế có nhiều người “ăn vụng” rồi lo sợ khi vợ đụng đến điện thoại hay máy tính và viện cớ đó là cuộc sống cá nhân nên không cho ai sờ vào.
Hay nổi giận, quăng ném đồ đạc
Rất nhiều phụ nữ dù hiền thục bao nhiêu nhưng sau khi kết hôn, sinh con cũng dần trở nên cộc tính và dễ nổi giận. Điều này cũng phần nào được lý giải là do họ quá áp lực công việc, lại phải lo toan chuyện trong nhà. Đi làm về đã mệt, thấy chồng nằm ườn xem tivi hay lo ăn nhậu chưa về, còn con cái cáu bẩn cũng đủ khiến chị em nổi xung thiên.
Tuy nhiên, nếu lúc nào cũng toát ra năng lượng giận dữ cáu gắt cũng là một cách khiến chồng xa cách chẳng muốn về nhà gặp vợ. Hãy bình tĩnh nhìn thẳng vấn đề của mình, xem xét đang gặp vướng mắc chỗ nào rồi ngồi “gỡ”. Nếu vấn đề có liên quan đến chuyện gia đình và cần chồng giúp đỡ, hãy đề cập để cùng chung sức giải quyết thay vì tự cam chịu gánh hết.
Chồng đi làm, vợ cũng đi làm nhưng tối về chỉ có mỗi vợ loay hoay nấu nướng, lau rửa như ô sin thì sao? Hãy thẳng thắn trao đổi, phân chia công việc vì tổ ấm là do cả hai cùng xây chứ không riêng phụ nữ. Và hãy nhớ lại điều đầu tiên: Không càm ràm, lèm bèm. Nếu chồng không hợp tác, hãy dứt khoát bỏ mặc.
Hãy cư xử như một người trưởng thành, biết làm chủ cảm xúc thay vì la hét, quăng ném đồ đạc vừa tốn tiền thiệt hại, vừa khiến mọi thứ trở nên ngột ngạt. Nếu bản thân đang quá giận dữ, hãy rời khỏi cảm xúc ấy bằng việc ra ngoài hít thở, uống cốc nước, cho bản thân có thời gian một mình…