4 chính sách, thay đổi về tiền lương trong năm 2022 ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân

( PHUNUTODAY ) - Cụ thể, có những chính sách về tiền lương như sau sẽ thay đổi trong năm 2022 mà ai cũng cần quan tâm:

1. Tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1/1/2022

Nghị định 108/2021/NĐ-CP quy định, sẽ điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 trong đó tăng thêm 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 12/2021 cho các đối tượng như:

- Cán bộ, công viên chức, người lao động, quân nhân, công an hằng tháng đang hưởng lương hưu.

- Các cán bộ xã, phường, thị trấn.

- Trường hợp hằng tháng đang hưởng trợ cấp trợ cấp mất sức lao động, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng…

Đồng thời, người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được tăng lương hưu theo tinh thần của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 tại kỳ họp thứ 02, Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, các đối tượng nêu tại Điều 1 Nghị định 108/2021/NĐ-CP, sau khi điều chỉnh lương hưu nếu người nghỉ hưu trước 1995 vẫn chưa đạt được mức lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng/người thì tiếp tục điều chỉnh, cụ thể:

- Những người sau điều chỉnh vẫn có mức lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng từ 2,3 triệu đồng/tháng/người trở xuống thì tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng.

- Người có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng sau khi điều chỉnh vẫn từ 2,3 triệu đồng/tháng/người - dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng thì tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/tháng/người.

Trao đổi về tăng lương, trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 1/1/2022, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, việc tăng lương hưu trong bối cảnh đất nước còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng hoan nghênh.

Ông Phạm Minh Huân cho rằng, mức điều chỉnh tăng 7,4% còn khá khiêm tốn so với nhu cầu cuộc sống của người về hưu. Đặc biệt, những người về hưu trước năm 1995 có lương hưu rất thấp.

Theo ông Huân, dù mức tăng 7,4% chưa thể tương xứng với tốc độ trượt giá, cũng như chưa đáp ứng được hết mong muốn của người nghỉ hưu là muốn tăng cao hơn. Tuy nhiên, xét trong điều kiện hiện nay còn khó khăn, Nhà nước vẫn dành nguồn ngân sách để điều chỉnh lương là điều ý nghĩa.

Trước đó, trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua về vấn đè tăng lương hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Về vấn đề điều chỉnh lương hưu với những người về hưu trước năm 1995, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã bàn thảo, lấy ý kiến nhiều về vấn đề này và đã báo cáo Quốc hội. Do khó khăn do dịch bệnh nên việc cải cách tiền lương phải hoãn lại nhưng với vấn đề lương hưu vẫn cho phép điều chỉnh, nhất là những người về hưu trước năm 1995 và lương hưu thấp.

Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu từ năm 2022 là 12.650 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước bổ sung cho những người về hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng; trong đó bù cho những người có lương thấp hơn 2,5 triệu đồng/người.

luong-1-0811

2. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ không được cải cách tiền lương

Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 34/2021/QH15 nêu, sẽ lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; trong đó sẽ ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Trước đó, tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021, Quốc hội yêu cầu từ ngày 01/7/2022 tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương theo đúng tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW.

Nhưng tình hình dịch COVID-19 hiện nay đang diễn biến phức tạp, đời sống kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nên việc cải cách tiền lương sẽ bị lùi lại đến thời điểm thích hợp. Các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức vẫn hưởng lương và các khoản phụ cấp nguyên như hiện tại.

3. Dự kiến sẽ không tăng lương cơ sở

Do dịch bệnh nên năm 2020 và 2021 hai lần lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức đã liên tiếp không tăng mà vẫn áp dụng mức 1,49 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2019 theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Với tình hình dịch bệnh hiện nay, mức lương cơ sở năm 2022 theo dự đoán của nhiều chuyên gia cũng sẽ giữ nguyên so với năm 2021 là ở mức 1,49 triệu đồng/tháng.

Như vậy, nếu năm 2022 vẫn không tăng cơ sở thì đây là năm thứ 3 liên tiếp tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức không có thay đổi gì.

4. Dự kiến lương tối thiểu vùng không tăng

Theo quy định mới nhất tại khoản 1 Điều 91 Bộ luật Lao động mức lương tối thiểu được định nghĩa như sau:

Mức lương tối thiểu được trả cho người lao động là mức lương thấp nhất dành cho những người làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, với mục đích bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mức lương tối thiểu được ấn định theo tháng, theo giờ và theo vùng. Dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, lương tối thiểu sẽ do Chính phủ quyết định và đưa ra công bố.

Trong năm 2021, lương tối thiểu vùng không tăng bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, do đó vẫn áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như năm 2020.

Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang hết sức phức tạp do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, khả năng năm 2022 tăng lương tối thiểu vùng là rất nhỏ.

Bởi vậy, mức lương tối thiểu vùng dự đoán trong năm 2022, sẽ không tăng mà vẫn giữ nguyên như hiện tại.

Cụ thể, hiện nay mức lương tối thiểu vùng là:

- Vùng I là 4.420.000 đồng/tháng

- Vùng II mỗi tháng là 3.920.000 đồng

- Vùng III là 3.430.000 đồng/tháng

- Vùng IV là mỗi tháng 3.070.000 đồng.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link