Dưới đây là những tình huống mà trẻ thường cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Những vấn đề này có thể khiến trẻ mất ăn, mất ngủ, mệt mỏi và buồn phiền. Hãy tìm hiểu nguyên nhân và giúp chúng vượt qua được những khó khăn đó.
Quá nhiều bài tập về nhà
Sau một ngày học tập mệt mỏi, trẻ sẽ cảm thấy chán nản nếu biết lại có cả đống bài tập đang đợi chúng hoàn thành khi về đến nhà.
Lúc này, bạn cần cho trẻ thời gian nghỉ ngơi và vui chơi sau giờ học chứ không nên ép chúng phải học ngay. 20 - 30 phút vận động, vui chơi có thể giúp trẻ tỉnh táo và hoàn thành bài tập dễ dàng hơn. Bạn cũng có thể cho trẻ ăn nhẹ, uống nước trái cây hoặc sữa ấm trước khi làm bài để lấy lại năng lượng cho chúng.
Quan trọng hơn, bạn cần giúp trẻ lập kế hoạch học tập, chia nhỏ công việc, tranh thủ hoàn thành một số bài tập ở trường để chúng không cảm thấy áp lực với quá nhiều bài tập dồn lại trong ngày.
Quá nhiều bài tập về nhà sẽ khiến trẻ lo lắng và căng thẳng (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Chuyển trường
Chuyển trường, chuyển nhà, và trở thành người mới trong một môi trường xa lạ có thể khá đáng sợ đối với trẻ. Chúng sẽ cảm thấy đơn độc khi mọi người đều quen biết nhau và cảm thấy không thoải mái trong môi trường mới. Hãy thông cảm cho tâm trạng lúc này của trẻ và giúp chúng hòa nhập tốt hơn bằng cách giới thiệu cho trẻ những người bạn mới, khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, sinh hoạt trong các hội nhóm, câu lạc bộ của trường để không còn cảm thấy lạc lõng.
Bất hòa với bạn thân
Khi trẻ lớn dần, những người bạn mà chúng thân thiết khi còn nhỏ có thể ngày càng trở nên lạnh nhạt, xa cách. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy buồn phiền và tự trách bản thân. Thực tế, khi lớn lên, bạn bè của chúng có thể thay đổi và không còn thích chơi với chúng nữa. Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng đây không phải là lỗi của chúng, và việc những người bạn đó có sở thích mới và tìm những người bạn phù hợp hơn là điều bình thường.
Bạn nên khuyến khích trẻ kết bạn mới và đừng lo lắng quá nhiều về những người bạn cũ đó nữa. Để giúp trẻ phấn chấn hơn, bạn nên dành thời gian vui chơi, trò chuyện hoặc đi dạo cùng trẻ trong thời gian rảnh.
Quan hệ với bạn bè không tốt là nguyên nhân khiến trẻ buồn phiền, lo âu (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Bị thầy cô giáo ghét
Nếu trẻ cảm thấy thầy cô giáo không ưa chúng, việc đi học đối với trẻ còn trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chúng sẽ khó tập trung học tập và trở nên lo âu, căng thẳng. Hãy trò chuyện với trẻ và hỏi xem tại sao chúng cho rằng giáo viên không thích chúng.
Nếu thấy sự lo lắng của trẻ là có lí do chính đáng, hãy thử nói chuyện với giáo viên xem tình hình thực sự như thế nào. Khi tình hình không thay đổi, ngay cả khi bạn đã trò chuyện với thầy cô và trẻ vẫn luôn cư xử tốt, hãy thuyết phục trẻ không nên quá lo lắng về tình cảm yêu ghét của thầy cô đối với chúng.
Hãy khuyên trẻ tập trung học tập thật tốt, có thể thái độ của thầy cô với chúng sẽ thay đổi, hoặc nếu không thì cũng chẳng sao, vì chúng không thể đòi hỏi tất cả mọi người đều yêu quý mình được. Đối mặt với nỗi sợ hãi bị thầy cô giáo ghét và học cách ứng xử khôn ngoan nhằm xoay chuyển tình thế có thể rèn luyện thêm bản lĩnh cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Mẹ kình ngư Michael Phelps còn đáng ngưỡng mộ hơn cả con trai (Làm Mẹ) - (Phunutoday) - Mẹ kình ngư Michael Phelps khiến nhiều người nể phục hơn cả con trai của bà sau khi biết được câu chuyện đặc biệt này. |