4 thứ không đặt lên bàn thờ ngày Rằm tháng Giêng

( PHUNUTODAY ) - Khi làm lễ cúng Rằm tháng Giêng, gia chủ nên tránh đặt những thứ này lên bàn thờ.

Hoa giả, trái cây giả

Người xưa dạy "cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng" để nhấn mạnh tầm quan trọng của lễ cúng này.

Nhiều gia đình có thói quen đặt trái cây giả, hoa giả lên bàn thờ vì những đồ vật này có màu sắc đẹp mắt lại không bị héo, hỏng. Tuy nhiên, gia chủ cần chú ý rằng, đây là những thứ không được đặt lên bàn thờ.

Thờ cúng coi trọng cái tâm. Không nên dâng đồ giả mà hãy dùng hoa tươi, trái cây tươi. Những món đồ thật, tươi mới thể hiện sự thành tâm đối với thần linh, tổ tiên. Gia chủ không cần chọn những món đắt tiền mà chỉ cần lựa thứ phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình là được.

Tiền giả, tiền có nguồn gốc bất chính

Nhiều nhà có thói quen đặt tiền lên bàn thờ vào các dịp lễ. Cần phải lưu ý rằng, tiền đặt lên bàn thờ là tiền thật, tiền do chính công sức của mình làm ra. Không được đặt tiền giả, tiền có nguồn gốc bất chính lên bàn thờ dâng tổ tiên, thần linh.

Việc thờ cúng chủ yếu dựa vào cái tâm, không nhất thiết phải dâng nhiều tiền mới tốt.

ram-thang-gieng-01

Thủ lợn

Theo quan niệm dân gian, vào ngày Rằm tháng Giêng, gia chủ có thể cúng bằng đồ chay hoặc đồ mặn đều được (riêng mâm cúng Phật luôn luôn là đồ chay).

Mâm cỗ mặn được chuẩn bị tương đối giống với mâm cỗ ngày Tết. Khi làm mâm cỗ mặn, gia chủ cần chú ý không nên cúng thủ lợn. Người ta cho rằng cúng thủ lợn đầu năm là không tốt. Vừa vào những ngày đầu năm đã sát sinh sẽ làm ảnh hưởng đến phúc khí của gia đình.

Đồ chay giả mặn

Nhiều gia đình quan niệm rằng ngày Rằm tháng Giêng là ngày tránh sát sinh, nên dâng cỗ chay, làm việc thiện để gia đình bình an, gặp may mắn. Với những gia đình có ban thờ Phật, người ta thường dâng cỗ chay. Khi làm mâm cỗ chay, gia chủ nhớ tránh dâng đồ chay dưới hình dáng đồ mặn, ví dụ như giả tôm, giả thịt cá... vì như vậy thể hiện tâm còn vẩn đục, còn sân si.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn