Ăn uống đủ dinh dưỡng
Đối với một số bệnh nhân mắc Covid-19 có thể bị mất khứu giác, vị giác, thậm chí mất cảm giác thèm ăn, mệt mỏi, chán ăn có thể dẫn đến việc ăn uống không đầy đủ làm cho tình trạng bệnh nặng dần thêm.
Vì vậy các F0 cần ý thức được dinh dưỡng tốt là góp phần mau lành bệnh để cố gắng ăn uống đầy đủ, người thân phải luôn nhắc họ ăn uống đầy đủ, ăn các đồ ăn mềm, dễ nuốt, dễ tiêu hóa và an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các chất kích thích như rượu bia, các loại gia vị nhiều.
Ngoài ra, tất cả bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà nên bổ sung điện giải bằng nước oresol, các loại nước trái cây, hoa quả.
Tránh lạm dụng sử dụng các loại thuốc
Hiện tại, phần lớn các F0 không có triệu chứng, hoặc biểu hiện triệu chứng nhẹ, thì không cần sử dụng thuốc, kể cả các gói thuốc A, B, C như các hướng dẫn, khi cần thiết có thể chỉ cần dùng các thuốc thông thường như hạ sốt, vitamin bồi bổ cơ thể.
Còn các thuốc kháng virus, kháng viêm, chống đông máu tuyệt đối không được dùng bởi có thể gây hại. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc theo đơn trên mạng, bởi việc làm này vô cùng nguy hiểm có thể khiến cho tình trạng sức khỏe của người bệnh ngày càng xấu đi hoặc khó khăn hơn cho thầy thuốc khi xử lý, thậm chí có thể cướp đi tính mạng của người bệnh.
Tự theo dõi sức khỏe, kết nối với y tế cơ sở
Phần lớn là không có triệu chứng gì, một số có các triệu chứng nhẹ: Sốt nhẹ hoặc vừa 37o5 - 38oC, ho, khó thở nhưng các triệu chứng khác như mất khứu giác, vị giác cũng có thể xuất hiện.
Khó thở là một trong những dấu hiệu cảnh báo tình trạng nghiêm trọng hơn được chăm sóc y tế ngay lập tức vì tình trạng thiếu oxy hòa tan trong máu là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của bệnh nhân Covid-19. Nhiều trường hợp diễn biến rất nhanh, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn.
Kết nối chặt chẽ, thường xuyên liên hệ với y tế cơ sở, tổ y tế lưu động tại địa bàn để cán bộ y tế có thể trực tiếp chăm sóc, kiểm tra SpO2 cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà khi có tình huống khẩn cấp.
Nếu bệnh nhân và người nhà có thể thực hiện và có thể chủ động trang bị máy đo SpO2 thì tốt nhất là thường xuyên theo dõi SpO2. Vì nếu không theo dõi chủ động, đến khi bệnh nhân thấy mệt lả, thậm chí ngất xỉu sẽ là khá muộn.
Vì vậy, cần theo dõi tình trạng sức khỏe chung, nếu quá mệt, hoặc lơ mơ thì liên hệ ngay với nhân viên y tế vì có những trường hợp mất cảm giác khó thở, dù nồng độ oxy máu giảm nhưng không cảm nhận được, chỉ đến khi mệt lả, ngất xỉu mới phát hiện nguy cơ này.
Nên bảo vệ cá nhân và những người xung quanh
Tuân thủ tuyệt đối 5K, vệ sinh tay thường xuyên. Tránh tiếp xúc gần với người nhà và những người xung quanh. Tiếp xúc thời gian ngắn nhất có thể (dưới 2 - 3 phút), khoảng cách xa nhất có thể (trên 1,5-2m).
Thu gom chất thải cá nhân như khẩu trang, giấy lau, các vật dụng khác vào các túi rác màu vàng an toàn, xịt dung dịch khử khuẩn vào túi chất thải để loại bỏ virus gây bệnh. Thu gom, giặt giũ áo quần với xà phòng.
Giữ tinh thần tích cực, duy trì tốt lối sống lành mạnh hàng ngày, thể dục buổi sáng nhẹ nhàng, đọc sách, viết bài, học tập để tránh tình trạng mệt mỏi, lười biếng.