Cách kiểm tra đất đai bị tranh chấp
Việc kiểm tra đất có đang bị tranh chấp sẽ giúp người mua tránh được nhiều rủi ro khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cách 1: Liên hệ Ủy ban nhân dân phường, xã nơi có đất hoặc công chức địa chính xã phường thị trấn nơi có đất
Cách 2: Tìm hiểu thông tin thông qua những người dân xung quanh hoặc chủ sở hữu, người sử dụng đất của thừa đất liền kề.
Cách 3: Liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự
Cách 4: Xin thông tin đất đai tại Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có thửa đất.
Bước 1: Nộp phiếu yêu cầu theo mẫu 01/PYC được ban hành kèm theo Thông tư 34/2014/TT-BTNMT tại Bộ phận một cửa cấp huyện hoặc Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có thửa đất. Thông qua:
- Nộp trực tiếp tại quan cung cấp dữ liệu đất đai;
- Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện;
- Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận, xử lý.
Khi nhận được phiếu yêu cầu hợp lệ, cơ quan tiếp nhận có nghĩa vụ:
- Cung cấp thông tin cho người có yêu cầu
- Thông báo số tiền phải nộp
- Nếu từ chối cung cấp thông tin thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
* Lưu ý: Các trường hợp từ chối cung cấp thông tin theo Điều 13 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT gồm:
- Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định.
- Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu.
- Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật.
- Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Đồng thời, chi phí kiểm tra thông tin đất phụ thuộc theo quy định của từng tỉnh thành, thông thường giao động từ 150.000 - 300.000 đồng.
Bước 3: Trả kết quả
Thời hạn trả kết quả được quy định;
- Trường hợp nhận được yêu cầu trước 15 giờ thì văn phòng đăng ký đất đai phải cung cấp ngay trong ngày;
- Trường hợp nhận được yêu cầu sau 15 giờ thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo;
- Trường hợp yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức hợp đồng thì thời hạn do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng.
Cơ sở pháp lý:
- Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013;
- Điều 11 và Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT.
Kiểm tra thời hạn sử dụng đất
Theo Khoản 7 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, thời hạn sử dụng đất được ghi tại trang 2 của giấy chứng nhận như sau:
- Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì ghi thời hạn theo quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thì ghi thời hạn sử dụng được công nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Trường hợp sử dụng đất có thời hạn thì ghi "Thời hạn sử dụng đất đến ngày …/…/... (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)".
- Thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài thì ghi "Lâu dài".
- Thửa đất ở có vườn, ao mà diện tích đất ở được công nhận là một phần thửa đất thì ghi thời hạn sử dụng đất theo từng mục đích sử dụng đất "Đất ở: Lâu dài; Đất... (ghi tên mục đích sử dụng theo hiện trạng thuộc nhóm đất nông nghiệp đối với phần diện tích vườn, ao không được công nhận là đất ở): sử dụng đến ngày …/…/... (ghi ngày tháng năm hết hạn sử dụng)".
Như vậy, người dân chỉ cần căn cứ vào trang 2 của giấy chứng nhận sẽ biết chính xác đất còn thời hạn sử dụng hay không.
Kiểm tra đất có thuộc quy hoạch, thế chấp, tranh chấp không
Có một số cách kiểm tra xem nhà đất có thuộc quy hoạch, thế chấp hoặc tranh chấp hay không mà người dân có thể áp dụng, cụ thể:
- Xem quy hoạch sử dụng đất trực tiếp tại trụ sở UBND xã, huyện nơi có đất.
- Xem trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện biết đất có thuộc quy hoạch hay không.
- Hỏi ý kiến công chức địa chính cấp xã hoặc người dân tại khu vực có thửa đất để có thêm thông tin.
- Xin thông tin tại văn phòng đăng ký đất đai.