Sự tò mò
Sự tò mò chính là sự nhận ra, theo đuổi và mong muốn được khám phá những điều mới mẻ, mang tính thử thách và không chắc chắn.
Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy "phát điên" khi con quá tò mò và khiến mọi thứ trong nhà hoặc là lộn xộn, hoặc là hỏng hóc, nhưng thật ra, đây lại là một đặc điểm giúp con thành công hơn trong tương lai.
Để giúp con xây dựng sự tò mò, tôi thường sử dụng những món đồ chơi. Hãy cho chúng sơn, sợi chỉ và các que kẹo mút để tạo ra các công trình. Hoặc cho chúng những chiếc kẹp giấy, que vệ sinh ống nước và đố chúng tạo ra càng nhiều thứ càng tốt.
Một cách khác là hãy kích thích sự tò mò của con. Thay vì bảo con "Thế này không được rồi", hãy nói: "Để xem chuyện gì sẽ xảy ra", thay vì cho chúng sẵn câu trả lời, hãy hỏi chúng: "Con nghĩ sao? Làm sao con biết? Làm sao con tìm ra được điều đó?".
Cuối cùng, khi bạn đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, hãy dùng những câu hỏi có từ "Mẹ băn khoăn...", kiểu như "Mẹ băn khoăn không biết cô ấy đang đi đâu", hoặc "Mẹ băn khoăn không biết tại sao họ lại làm thế", hoặc "Mẹ băn khoăn không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo"...
Sự kiên trì
Sự kiên trì sẽ giúp trẻ em tiếp tục làm một việc chúng đang làm thay vì từ bỏ. Những sai lầm có thể khiến con đi chệch hướng và không thể thành công. Vì thế đừng để con bạn quan trọng hóa vấn đề của chúng. Thay vào đó, hãy khiến chúng tin tưởng, tập trung sự chú ý vào mục tiêu của mình.
Một số trẻ em từ bỏ vì chúng cảm thấy quá choáng ngợp với những vấn đề hoặc nhiệm vụ của mình. Hãy phân tách các nhiệm vụ đó thành những phần nhỏ sẽ giúp các em dễ bắt đầu hơn.
Bạn có thể dạy con cách phân tách, chia nhỏ những nhiệm vụ của mình, để các con không bị áp lực quá. Sự tự tin và sự kiên trì sẽ giúp các con dần hoàn thành được những nhiệm vụ lớn hơn.
Sự tự tin
Hầu hết các bậc phụ huynh đều đồng nhất 2 khái niệm tự trọng và tự tin. Họ nói với con mình là "Con thật đặc biệt", hoặc "Con có thể là bất cứ thứ gì con muốn".
Nhưng đã có bằng chứng cho thấy việc nâng cao lòng tự trọng sẽ giúp tăng điểm số học hành hoặc thậm chí là hạnh phúc của con trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy những đứa trẻ cho rằng điểm số mà chúng có được là do nỗ lực và thế mạnh của chúng sẽ thành công hơn những đứa trẻ tin rằng chúng không thể kiểm soát được các kết quả học tập.
Sự tự tin thực sự chính là kết quả của việc làm tốt, đối diện với thử thách, tạo ra giải pháp và tự phục hồi sau khi vấp ngã. Việc bạn giải quyết các khó khăn của con, thay con hoàn thành nhiệm vụ sẽ chỉ chúng nghĩ rằng: "Bố mẹ không tin là mình có thể làm được".
Những đứa trẻ tự tin biết rằng chúng có thể thất bại, song sẽ hồi phục lại được, và đó là lý do chúng ta cần giải phóng bản thân khỏi việc can thiệp và "giải cứu" con mỗi khi con gặp vấn đề.
Bừa bộn
Nghiên cứu của Đại học Minnesota (Mỹ) chỉ ra những người thông minh thường bừa bộn vì họ dành toàn bộ thời gian để suy nghĩ và làm những thứ quan trọng hơn. Trong Identifying Young Gifted Children, Marge Hoctor cho rằng sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất của những đứa trẻ có năng khiếu, "sự sáng tạo thường được sinh ra từ những mớ hỗn độn". Tác giả nêu quan điểm, gọn gàng là một đức tính tốt, nhưng cha mẹ không nên quá cứng nhắc và ép trẻ. Điều này có thể gây ảnh hưởng quá trình tư duy và phát triển não bộ của trẻ.
Thích đọc sách
Những đứa trẻ thông minh thường biết đọc sớm và có thói quen đọc sách. Với nhiều em, sách trở thành người bạn đồng hành thân thiết của tuổi thơ. Trong How to Raise Gifted Children, tác giả Christina Vercelletto nhấn mạnh tầm quan trọng của sách vở trong việc thúc đầy tiềm năng, trí óc của trẻ. Khi đọc sách, não bộ trẻ sẽ tạo ra một chu kỳ tiếp thu kiến thức không giới hạn. Sách giúp trẻ nâng cao hiểu biết và vốn từ vựng, khả năng tư duy, diễn đạt cũng được cải thiện đáng kể.