Thường xuyên ném đồ đạc
Hầu hết trẻ ngoan ngoãn thỉnh thoảng mới ném đồ đạc trong cơn tức giận. Tuy nhiên, việc giận dữ của trẻ và hành động ném đồ lặp đi lặp lại và không dừng lại kể khi cha mẹ đã có cách để xoa dịu thì đó là dấu hiệu con không ngoan. Bên cạnh đó, việc trẻ ném đồ đạc khi không có lý do gì sẽ cảnh báo phụ huynh cần chú ý đến con nhiều hơn.
Phụ huynh không nên đánh mất sự bình tĩnh. Cha mẹ nên lắng nghe con và giúp trẻ hiểu hành vi ném đồ đạc là không chấp nhận được. Trong khi tức giận, con bạn sẽ nói ra những điều không hài lòng hoặc không đồng tình. Từ đó, phụ huynh có thể nhắc lại những điều được phép làm để giúp trẻ hiểu hành động của mình là sai.
Không biết cảm ơn
Chúng ta thường xuyên nhìn thấy một bức tranh như thế này: Sau khi ăn cơm xong, trẻ đẩy bát cơm ra và bỏ đi xem ti vi hoặc đi chơi, để mặc bố mẹ bận rộn thu dọn bát đũa. Trong nhà có đồ ăn ngon, bố mẹ đều dành cho con thưởng thức, nhưng con rất ít khi mời bố mẹ ăn trước. Con ốm, bố mẹ lo lắng quan tâm không rời mắt. Nhưng khi bố mẹ không khỏe, con rất ít khi hỏi thăm hoặc coi như không thấy...
Những đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí như vậy, sẽ quen với việc đón nhận tình yêu thương, chăm sóc mà mọi người dành cho mình và sẽ cho rằng tình yêu mà mọi người dành cho mình là nghĩa vụ. Theo lối suy nghĩ đó, trẻ không biết cách làm thế nào để chia sẻ yêu thương, hiếu thuận với những người sống bên mình.
Hãy dạy trẻ lối sống biết tri ân, cảm ơn, trân trọng những gì nhận được từ bố mẹ và người khác. Thái độ sống biết ơn sẽ hình thành nên đức tính tốt đẹp trong suốt cuộc đời trẻ.
Trẻ không biết làm bất cứ việc gì trong nhà
Bất kỳ bậc cha mẹ cũng nên giúp con trở nên độc lập. 3 tuổi, trẻ có thể tự thu dọn đồ chơi của mình. Lên 5 tuổi, chúng có thể giúp được những việc vặt trong nhà. Ở tuổi lên 10, chúng có thể gọt vỏ khoai tây, cắm cơm và làm bữa tối cho cả gia đình.
Nếu tất cả những nỗ lực để trẻ tham gia vào công việc gia đình đều thất bại, có thể vì trẻ không muốn hoặc không thể, thì đó là một dấu hiệu cho thấy trẻ không ngoan.
Theo thống kê, trẻ em hiện đại ở độ tuổi 3-12 dành khoảng 3 giờ mỗi tuần để giúp đỡ các công việc gia đình. (Nhân tiện, chúng dành không dưới 14 giờ ngồi trước máy tính). Nếu trẻ không có bất kỳ trách nhiệm nào với gia đình, sao chúng có thể thích nghi được với cuộc sống khi trưởng thành?
Cứ phó mặc theo sở thích của trẻ, không uốn nắn, rèn giũa chúng làm việc để trở nên độc lập, cuối cùng, chính cha mẹ tước đã đi những kỹ năng cần thiết và những bí quyết sống có ích trong cuộc sống của con cái.
Trẻ không hòa đồng với các bạn và có cư xử sai trái
Một đứa trẻ hư chỉ muốn nhận về mà không hề san sẻ điều gì với mọi người xung quanh. Thậm chí, chúng còn không có khả năng xem xét nhu cầu của người khác và thiếu sự đồng cảm. Hậu quả là trẻ sẽ dần bị xa lánh, bạn bè không muốn kết giao.
Nhưng đứa trẻ lại cảm thấy khó chịu, rồi đổ lỗi cho bạn bè xung quanh. Nếu con bạn không hòa đồng, bị bạn bè cùng trang lứa ghét bỏ, thì có lẽ đã đến lúc bạn phải tìm hiểu xem có chuyện gì không. Và nếu lỗi thuộc về con của mình, phụ huynh cần có động thái uốn nắn tức thì.
Trẻ nổi điên khi không được đáp ứng thứ mình muốn
Dường như mọi người đều biết rằng, những hành vi như này khá phổ biến đối với những đứa trẻ hư. Nhưng nó không đơn giản như vậy! Trẻ mới biết đi thường không biết cách thể hiện cảm xúc của mình và không thể đối phó với chúng, dẫn đến dễ mệt mỏi. Vì vậy, chúng chỉ biết gào khóc, nằm bò trên sàn ăn vạ, nổi khùng, ném đồ... Trong trường hợp này, đứa trẻ cần sự trấn an mà thôi.
Nhưng nếu trẻ đã đến tuổi đi học mà vẫn tỏ ra vậy, chọn thời điểm thích hợp để bật khóc ăn vạ, nổi điên thì chắc chắn bạn cần phải xem xét. Cứ nhượng bộ và chiều theo mong muốn của trẻ, bạn sẽ chỉ khiến con cái trở nên hư hỏng hơn mà thôi!
Một vài cách dạy con cư xử đúng mực:
- Nếu con cần mọi người chú ý đến mình ngay tức khắc, hãy nói “xin lỗi vì làm phiền cô/chú/bác…” để bắt đầu cuộc nói chuyện của mình.
- Khi muốn xin ai một điều gì đó, con cần nói "cô/chú/bác làm ơn cho con...".
- Dạy con đừng bao giờ sử dụng ngôn ngữ thô tục trước mặt người lớn.
- Đừng gọi ai đó bằng những cái tên không lịch sự.
- Làm gương khi nói. Nói xin vui lòng, cảm ơn và xin lỗi với bé và mọi người bạn tiếp xúc. Nếu bạn không nói “xin vui lòng” khi yêu cầu bé nhặt đồ chơi lên, hoặc bạn bỏ qua lời “cảm ơn” khi nhận quà Valentine của chồng, bạn đang phá hỏng mọi bài giảng mà bạn đã kỳ công, chăm chút gieo dần vào đầu bé.
- Nên nhất quán. Không chỉ ở công ty hoặc khi ăn ở ngoài, lịch sự và hành xử đúng mực phải là một phần trong thói quen hàng ngày của bạn.
- Để dạy con về lòng biết ơn, cha mẹ đừng hi sinh cho trẻ quá nhiều, cũng đừng can dự quá nhiều, tốt nhất là không nên giúp trẻ làm tất cả mọi việc.