Có thể nói, giao tiếp chính là "công cụ" để trẻ tồn tại và phát triển bản thân trong tương lai. Chính vì vậy, bố mẹ nên dạy cho trẻ kỹ năng giao tiếp ngay từ nhỏ. Lúc đó não bộ của trẻ đang trong quá trình phát triển và có thể dễ dàng tiếp thu nhanh hơn khi lớn. Những trẻ giao tiếp tốt sẽ biết vận dụng ngôn ngữ linh hoạt, ứng xử lễ phép, thể hiện rõ quan điểm và cá tính của mình. Nhờ đó trẻ sẽ có nền tảng vững chắc hơn trong tương lai, tạo mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và dễ dàng thành công hơn. Theo các chuyên gia, có 5 kỹ năng giao tiếp cơ bản sau đây bố mẹ nhất thiết phải dạy con ngay từ khi còn nhỏ.
1. Dạy trẻ biết chào hỏi mọi người
Đây là hành động khi găp bất cứ ai, chính vì như vậy việc chào hỏi cũng là kỹ năng giao tiếp đầu tiên mà mọi đứa trẻ cần được dạy để trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn và lễ phép. Ví dụ như khi gặp người lớn tuổi, cha mẹ nên dạy trẻ chào hỏi bằng những câu chào hỏi thân thiện và gần gũi như: "Cháu chào ông/ bà ạ", "Ông có khỏe không ạ?" hay "Bác đi đâu vậy ạ?"... Khi nói, bé cần thể hiện thái độ lễ phép, không nói trống không, chỉ gật đầu hay lắc đầu mà phải nói "dạ thưa" lễ phép.
Tuy nhiên, một điều cha mẹ cần nhớ đó là, người mà trẻ tiếp xúc nhiều nhất là cha mẹ, nên chúng thường sẽ học theo cách cư xử và thái độ của cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ hãy là tấm gương sáng để con soi chiếu và học hỏi. Trong gia đình, cha mẹ hãy giúp con xây dựng mối quan hệ thân thiết với ông bà. Nếu ông bà không ở chung, hãy chia sẻ, tâm sự về ông bà để bé cảm nhận được tình cảm của mọi người dành cho bé, dạy con cách quan tâm, hỏi han sức khỏe ông bà giúp hình thành thói quen tốt cho trẻ.
2. Biết nói cảm ơn và xin lỗi đúng lúc
Nói cảm ơn và xin lỗi là 2 kỹ năng cơ bản, quan trọng và vô cùng cần thiết mà nhất định không thể bỏ qua khi dạy trẻ giao tiếp. Cha mẹ nên dạy con khi nhận được quà, bánh hay được người khác giúp đỡ, con nên nói câu cảm ơn như "Cháu cảm ơn bà ạ", "Mình cảm ơn bạn"...
Hãy giúp cho trẻ hiểu, nói cảm ơn đúng lúc sẽ thể hiện được sự trân trọng đối với người đã mang đến điều tốt đẹp cho mình. Cùng với đó thì xin lỗi chân thành cũng là phép lịch sự tối thiểu mà bé cần ghi nhớ. Để dạy trẻ nói lời xin lỗi chân thành sẽ khó hơn nhiều so với nói lời cảm ơn. Vì vậy, cha mẹ nên giải thích cho trẻ hiểu xin lỗi khi bị sai lầm cũng là để bản thân nhìn nhận lỗi sai và hoàn thiện mình tốt hơn như thế nào.
3. Dạy trẻ biết tôn trọng người lớn
Ngoài lời nói lễ phép thì viêc thể hiện thái độ tôn trọng lại càng quan trọng hơn nhiều. Trong đó, tôn trọng người lớn là yếu tố vô cùng cần thiết trong việc giáo dục trẻ. Và cách tốt nhất để cha mẹ có thể dạy trẻ đó là làm mẫu và đối xử với chúng theo đúng cách mà bạn muốn chúng đối xử với người khác. Vậy nên, những người cha, người mẹ nên luôn có thái độ tôn trọng trẻ để các con cảm nhận được thế nào là sự tôn trọng và hiểu được tầm quan trọng của việc tôn trọng người lớn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần dạy con cách cư xử đúng mực với người lớn như không la hét hay lớn tiếng với người lớn tuổi, giúp đỡ cụ già qua đường, không chen ngang khi người lớn đang nói chuyện…
4. Giao tiếp bằng ánh mắt
Giao tiếp không phải chỉ là những kỹ năng nói chuyện hàng ngày mà nó còn là những kỹ năng giao tiếp bằng chính ánh mắt. Cha mẹ nên dạy trẻ khi giao tiếp với bất cứ ai thì đều phải hướng ánh mắt vào người đối diện, không làm việc riêng, quay đi quay lại để người đối diện có thể cảm nhận được sự tôn trọng cũng như sự tự tin từ trẻ.
Với cách nhìn vào người đối diện khi giao tiếp, không chỉ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn khi nói chuyện mà còn chính là sự tôn trọng đối với người khác. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả giao tiếp tốt nhất. Không chỉ vậy, cha mẹ cũng cần dạy con cách ngắt lời thế nào sao cho phải phép khi gặp phải những trường hợp khẩn cấp.
5. Dạy trẻ biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến người khác
Lắng nghe chính là một nghệ thuật trong giao tiếp, và cũng là cách để thể hiện bạn có tôn trọng người nói hay không. Trong đó, tôn trọng cảm xúc và ý kiến của người khác thể hiện qua giao tiếp như lắng nghe, không cắt ngang câu chuyện, không cướp lời, đóng góp ý kiến một cách tích cực.