1. Nguyên tắc bể cá
Một sự thật rằng cá vàng nuôi trong bể tù túng, chật hẹp, môi trường sống có giới hạn thì dù bạn có nuôi bao lâu, chăm sóc kĩ lưỡng đến mức nào cũng sẽ chỉ có thể đạt đến một chiều dài, kích cỡ nhất định mà thôi và không bao giờ có thể nào lớn hay khỏe mạnh hơn như những con cá sống ở dưới ao, hồ, sông, biển bao la và rộng lớn.
Điều này cũng tương tự như việc giáo dục trẻ nhỏ vậy, cha mẹ không bao giờ có thể đảm bảo bao bọc, hỗ trợ và bảo vệ con bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu hay xa hơn nữa là suốt cả cuộc đời. Bạn không thể nào luôn để con mình trong chiếc "bể cá" mà cha mẹ xây nên với suy nghĩ con được phát triển ổn định, an toàn. Điều này sẽ chỉ tạo cho trẻ tính cách ỷ lại, ra môi trường bên ngoài gặp khó khăn một chút đã nản chí và từ bỏ. Cha mẹ hãy cho con có không gian tự do riêng, rộng lớn hơn để phát triển, hạn chế áp đặt những tác động và ý kiến cá nhân của bản thân lên trẻ. Khuyến khích con phát triển bản thân, kiên trì với lựa chọn của mình và tự chịu kết quả từ lựa chọn đó cho dù kết quả là tốt hay xấu.
2. Nguyên tắc chó sói
Chúng ta biết rằng, trong tự niên, sói là một loài động vật có tính hiếu kỳ. Chúng luôn thấy hứng thú với việc khám phá, không ngại trải nghiệm những cái mới. Vì vậy, chúng đã rèn luyện cho bản thân khả năng sinh tồn mạnh mẽ, kĩ năng săn mồi và phát hiện nguy hiểm điêu luyện và vô cùng tinh ranh.
Qua câu chuyện của con sói, cha mẹ nhận ra một điều rằng, nếu muốn bồi dưỡng năng lực học tập mạnh mẽ hay đào tạo bất kỳ kĩ năng nào cho trẻ nhỏ, nhất định cha mẹ phải khơi gợi tính hiếu kỳ và ưa khám phá của con. Mọi trẻ em đều luôn mong muốn được khám phá nhiều điều và ngày một khôn lớn hơn. Chỉ cần có ước mơ, ai cũng có thể tiến đến chân trời mình mong muốn. Cha mẹ hãy khuyến khích con tìm tòi những cái mới và đặt câu hỏi cho các sự vật, sự việc xung quanh bản thân mình.
3. Nguyên tắc hiệu ứng gió nam
Khi nhìn vào môi trường, khí hậu tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một điều rằng, vào mùa đông, gió Bắc thổi càng mãnh liệt, mạnh mẽ bao nhiêu thì sẽ chỉ càng khiến người ta mặc thêm nhiều quần áo để chống cự cái lạnh cái giá buốt bấy nhiêu. Nhưng ngược lại, đối với gió Nam thổi thổi vào mùa hè, chỉ cần phe phẩy nhè nhẹ là đã có thể khiến người ta phải trút bỏ bớt quần áo cho đỡ nóng nực.
Và điều này cũng giống như khi chúng ta giáo dục trẻ nhỏ vậy. Nếu cha mẹ càng to tiếng phê bình trẻ, trẻ sẽ càng không nghe lời. Cũng giống như chúng ta mặc thêm áo để chống lại cái lạnh thì trẻ nhỏ phản ứng ngược lại, thể hiện sự bướng bỉnh, không nghe lời để chống cự lại những lời nói to tiếng từ cha mẹ vậy. Cha mẹ càng cấm cản mạnh mẽ, trẻ nhỏ sẽ càng làm. Nhưng ngược lại, nếu cha mẹ thể hiện sự bao dung, cảm thông với trẻ, dùng lời lẽ lí trí, mềm mỏng nhưng mang tính răn đe một chút thì trẻ sẽ hiểu ra vấn đề và tiến bộ hơn rất nhiều.
4. Nguyên tắc Hiệu ứng Robert Rosenthal
Robert Rosenthal là một nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ. Năm 1966, ông đã làm một thí nghiệm thú vị về thành tích kỳ vọng đối với các học sinh. Ông đến một lớp học bất kỳ và chọn ra vài cái tên ngẫu nhiên trong danh sách lớp, sau đó ông giao cho giáo viên chủ nhiệm bản danh sách “Những học sinh có triển vọng nhất” này. Và chỉ sau 8 tháng sau Rosenthal cùng người trợ lý quay lại lớp học, kỳ tích đã xảy ra, tất cả những em có tên trong danh sách đều trở thành những học sinh xuất sắc của lớp. Bí quyết nâng cao thành tích học tập của các em học sinh kia thật ra rất đơn giản, đó là vì chúng đã được thầy giáo quan tâm và đánh giá cao hơn.
Hiệu ứng Robert Rosenthal là hiện tượng kỳ vọng của người khác đối với một con người tác động đến thành tích của người ấy. Như vậy, chúng ta có thể rút ra: bạn kì vọng con bạn trở thành người như thế nào, con bạn sẽ có khả năng trở thành người như thế. Tuy nhiên, sự kỳ vọng đó chỉ nên ở mức độ nhất định không nên gây áp lực quá nặng nề lên trẻ. Mọi đứa trẻ đều có thể trở thành thiên tài nếu chúng được tin tưởng và kì vọng đúng mực.