1. Sai lầm khi dùng chảo chống dính
Làm nóng chảo trước khi cho dầu ăn
Với các loại chảo thường, việc làm nóng chảo trước khi cho dầu ăn là việc bình thường nhưng không nên áp dụng với chảo chống dính. Nếu đun thật nóng chảo chống dính rồi mới cho dầu ăn sẽ làm lớp sơn chống dính dễ bong tróc, thậm chí lớp chống dính này bám vào thức ăn bạn đang nấu, gây độc hại cho người dùng.
Xào nấu ở lửa quá cao
Khi xào rau hay rán đồ ăn, đôi khi để lửa thật lớn sẽ giúp cho rau giòn xanh, món ăn cũng giòn hơn nhưng với chảo chống dính thì điều này lại không hề tốt. Khi để nhiệt độ quá cao, chất chống dính trong chảo phân hủy, có thể gây độc hại. Tốt nhất, nên để lửa ở nhiệt độ thấp hoặc trung bình, tập trung ngọn lửa ở chính giữa đáy nồi. Nhờ vậy, chảo sẽ giữ được tuổi thọ lâu hơn.
Lưu ý: Không dùng chảo chống dính để kho hay nướng đồ ăn vì sẽ làm lớp chống dính nhanh bong.
Dùng thìa, muỗng nhôm, sắt hoặc inox để đảo
Có thể hình dung lớp chống dính như một lớp sơn mỏng, vì thế nếu dùng thìa nhôm, sắt hay inox... sẽ làm bong lớp chống dính, giải phóng các chất độc vào món ăn, gây nguy cơ nhiễm bệnh cho cơ thể.
Do đó, bạn chỉ nên dùng muỗng silicon hoặc bằng gỗ để xào nấu các món ăn trong chảo mà thôi.
Cho gia vị mặn trực tiếp vào chảo
Nhiều người có thói quen cho gia vị trực tiếp vào chảo khi nấu ăn. Tuy nhiên, khi chảo đang nóng, không được cho trực tiếp nước mắm hoặc muối vào vì lớp sơn chống dính sẽ bị rỗ, nhanh bong tróc.
Nấu xong cho ngay vào nước lạnh để rửa
Muốn chảo nhanh sạch khi đang còn nóng, khi vừa nấu ăn xong, nhiều người đã cho ngay vào nước lạnh để xả. Tuy nhiên việc này gây hại cho chảo chống dính. Chảo đang nóng bị làm lạnh đột ngột sẽ khiến lớp chống dính nhanh bong. Bạn chỉ nên để chảo nguội dần, dùng khăn giấy lau sạch dầu mỡ trên bề mặt sau đó mới rửa sạch. Ngoài ra, rửa chảo bằng nước ấm vì sẽ làm nhanh trôi lớp dầu mỡ và cặn bẩn.
2. Bảo quản và sử dụng chảo chống dính đúng cách
Chảo chống dính khi mới mua về nên rửa qua với nước rửa chén sau đó quét một lớp cà phê lên mặt chảo và đem hâm nóng, sau đó rửa lại chảo cho sạch. Cách này không những giúp khử mùi của lớp sơn chống dính mà giúp chảo dễ rửa hơn.
Lớp chống dính của chảo rất dễ bị xước, vậy nên khi đã vệ sinh sạch sẽ chảo, hay treo chúng trên cao. Bạn cũng không nên để các xoong nồi khác chồng lên chảo để tránh làm biến dạng chảo, như vậy nhiệt độ và dầu ăn sẽ phân tán không đều.
Tuyệt đối không để chảo trên bếp nóng khi bên trong chảo chưa có dầu. Vì với lớp sơn tĩnh điện bên ngoài sẽ giúp chảo chống dính nhanh nóng hơn các chảo bình thường, nếu chế dầu hoặc chất lỏng khác vào đột ngột sẽ làm lớp sơn chống dính dễ bong tróc.
Nên sử dụng chảo ở nhiệt độ vừa phải, không được cao quá 260 độ. Nếu không xác định được nhiệt độ, tốt nhất nên để lửa cháy trong phạm vi đáy chảo, nếu lửa cao lên đến thành chảo dễ làm hư chảo và chất chống dính trong chảo bị phân hủy, có thể gây độc hại.