Theo Health, chuối chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, đặc biệt là bộ ba yếu tố có chức năng tăng cường sức khỏe gồm kali, magiê và vitamin C. Kali đóng vai trò then chốt trong việc điều hòa huyết áp. Việc duy trì huyết áp ổn định rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch.
Chuối có tác dụng hạ huyết áp là nhờ có chứa một số chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là kali. Một quả chuối cỡ trung bình thường chứa khoảng 400-450mg kali. Đây là chất điện giải giúp cân bằng lượng natri được nạp vào cơ thể từ chế độ ăn uống.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, lượng natri trong cơ thể cao có thể dẫn đến tăng huyết áp và kali giúp giảm huyết áp bằng cách thư giãn mạch máu, tăng bài tiết natri qua nước tiểu.
Ngoài ra, chuối rất giàu chất chống ôxy hóa như vitamin C và catechin. Những hợp chất này giúp cải thiện chức năng nội mô, từ đó góp phần giảm huyết áp. Nội mô là lớp tế bào lót bên trong của các cơ quan và hệ thống trong cơ thể, chẳng hạn như động mạch, mao mạch, tim... Lớp tế bào này đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ cơ thể, điều tiết chất lỏng và hỗ trợ các hoạt động miễn dịch.
Caroline Young, chuyên gia dinh dưỡng, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng Whole Self Nutrition (Hoa Kỳ), cho biết: "Chuối là nguồn cung cấp kali dồi dào và nghiên cứu đã chứng minh yếu tố này có thể giúp giảm huyết áp nhờ vào việc giảm nồng độ natri trong cơ thể và thư giãn mạch máu".
Tuy nhiên, để hạ huyết áp một cách hiệu quả nhất, mọi người nên thêm chuối vào chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh với nhiều rau xanh, các loại trái cây khác, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và các sản phẩm từ sữa ít béo. Thêm vào đó, việc tập thể dục thường xuyên, hạn chế rượu bia và bỏ thuốc lá cũng là những điều nên làm để có một chỉ số huyết áp khỏe mạnh hơn.