Tôi giật mình khi nghe đứa cháu giận dỗi quát lại với mẹ “Thế bố mẹ để cho thằng Khánh làm anh đi” rồi bỏ chạy đóng sập cửa phòng lại và khóc. Chị gái tôi có 2 đứa con trai cách nhau 4 tuổi. Thế nên chị thường xuyên dặn cậu anh phải nhường cậu em, khi về thấy hai anh em đánh nhau thì y như rằng cậu anh sẽ bị mắng trước vì tội “làm anh không biết bảo em”. Liên tiếp bị điệp khúc “nhường em” khiến cậu bé chán nản và cả tủi thân, nhiều khi cậu em sai nhưng vẫn là “vì em nhỏ chưa biết gì”.
Trước sự việc như vậy chị gái tôi cũng vẫn tỏ ra bình thường nghĩ con nít giận dỗi rồi thôi. Trong khi đó cậu em được mẹ bênh nên đang sà vào lòng mẹ nũng nịu tiếp. Có lẽ chuyện cũng không xa lạ với nhiều phụ huynh Việt Nam. Chúng ta thụ hưởng nhiều quan điểm anh nhường em, kính trên nhường dưới. Đôi khi cha mẹ chúng ta tìm cách giải quyết chuyện mâu thuẫn của các con bằng việc “anh chị nhường em”, nghĩ rằng đó là tình yêu thương, tình thân gia đình. Nhưng quên mất đứa con lớn phải chịu nhiều ấm ức thiệt thòi, trong khi đứa con bé mặc định vì là em nên có đặc quyền riêng. Mọi việc có thể đi quá giới hạn khi đứa con lớn phải chịu đựng quá nhiều thiệt thòi và đứa con bé không ý thức được trách nhiệm của bản thân mình, thụ hưởng nhiều hơn chia sẻ lại. Điều đó hằn sâu vào tâm trí con cái sự bất công của bố mẹ. Đôi khi hành xử đó vô tình khiến đứa con lớn tổn thương còn đứa con bé trở nên xấu xí. Và đôi khi sự việc sẽ bị đẩy đến đoạn anh chị em trong nhà “cạnh tranh” nhau, “từ bỏ, đánh đổ nhau” để giữ vị trí cho mình.
Chúng ta cũng thường có những ranh giới “đó là của bố/mẹ” nên các con không được động vào. Vậy tại sao chúng ta không phân chia rõ ràng của các con riêng. Anh em nên đoàn kết yêu thương nhưng chúng đáng được hưởng sự công bằng và bình thường trong gia đình. Sự đối xử đặc biệt nào đó thường sẽ có những hệ lụy phía sau.
Do đó có lẽ chúng ta khi là cha mẹ nên khuyến khích anh em nhường nhịn nhau, chia sẻ với nhau để trẻ tự nguyện chứ không nên ép buộc nhường nhịn.
Khi chúng ta chỉ biết nói điệp khúc “phải nhường em” cũng có thể khiến câu lệnh đó in hằn vào đầu óc con, khiến chúng trở thành một đứa trẻ quen khuất phục, không phản kháng ngay cả khi đang rất thiệt thòi, đang bị áp bức. Hoặc có thể khiến đứa trẻ trở nên phản ứng tiêu cực, uất ức đến mức như đứa cháu tôi, không còn muốn làm anh nữa, cùng quẫn trong tâm trí đến nỗi không biết làm gì ngoài chuyện đổi vị trí làm anh với đứa em của mình.
Phải chăng là chúng ta nên khuyến khích các con nhường nhịn chia sẻ với nhau. Và trong những tình huống con cái có tranh chấp không nên lấp liếm giải quyết cho xong bằng việc ép một đứa con nào đó chịu đựng. Có lẽ cách giải quyết đó chỉ là để cho chính chúng ta khỏi bị phiền bởi bọn trẻ chứ không thực sự giúp các con giải quyết được vấn đề mâu thuẫn với nhau. Việc nhường nhịn nên là tự nguyện chứ không phải nghĩa vụ? Bạn đang giải quyết thế nào với những đứa con của mình?