1. Uống ít nước lọc
Thay vì chọn uống nước lọc, có không ít người lại lựa chọn những loại thức uống giải khát như nước ngọt, bia hay rượu bởi mùi vị thơm ngon hơn nước lọc nhạt nhẽo. Việc làm này sẽ khiến cho quá trình chuyển hóa của thận ngày càng trở nên phức tạp hơn nhiều. Bên cạnh đó, có nhiều loại đồ uống có tính axit cao có thể làm thay đổi độ pH của cơ thể, từ đó quá trình lão hóa của các cơ quan cũng bị đẩy nhanh. Ngoài ra, nước giải khát có chứa hàm lượng natri cao sẽ dẫn đến mất cân bằng chất lỏng và chất điện giải trong cơ thể.
Trong thời gian dài mà bạn không uống nước, nhất là nước lọc sẽ khiến cho lượng nước tiểu bị giảm đi và dẫn tới nồng độ chất thải và độc tố trong nước tiểu tăng lên, từ đó dẫn tới nguy cơ gây ra sỏi thận. Thận là một trong những bộ phận có chức năng bài tiết nước tiểu, chất cặn bã và chất độc bên trong cơ thể. Khi thận bị tổn thương thì đồng thời các chức năng của nó cũng sẽ bị giảm sút. Trong những trường hợp nghiêm trọng, sẽ xảy ra tình trạng nhiễm độc niệu thậm chí còn có thể đe dọa đến tính mạng.
2. Lạm dụng thuốc khi quan hệ
Có những trường hợp, đàn ông phải chịu áp lực mọi mặt từ đời sống cũng như công việc và thường không có thời gian để tập thể dục, dẫn đến việc nhờ tới thuốc để thỏa mãn đời sống vợ chồng. Nhưng thói quen dùng thuốc trong thời gian dài như vậy có thể gây ra tình trạng bị lệ thuộc và cuối cùng làm phản tác dụng. Ngoài ra, việc quan hệ quá độ cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Đặc biệt vào mùa đông, mọi người nên điều chỉnh đời sống tình dục một cách hợp lý.
3. Chế độ ăn uống giàu đạm, nhiều muối
Đạm là một trong những dưỡng chất thiết yếu đối với cơ thể con người và nên được bổ sung một cách đầy đủ. Nhưng trên thực tế việc tiêu thụ quá nhiều cũng không phải là điều tốt. Nhất là khi hiện nay mọi người có thói quen thường xuyên ăn thịt cá gây ra tình trạng bị dư thừa đạm. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ gây gánh nặng lên thận, về lâu dài gây hại cho thận.
Ngoài đạm, bạn cũng không nên tiêu thụ quá nhiều muối. Nguyên nhân là do, có đến 95% lượng muối trong chế độ ăn uống được chuyển hóa qua thận. Vì vậy mà việc ăn quá nhiều muối đương nhiên sẽ tăng gánh nặng cho thận. Ngoài ra, natri trong muối sẽ khiến cơ thể khó bài tiết nước, càng khiến thận chịu nhiều áp lực. Đồng thời, chế độ ăn mặn làm huyết áp tăng cao, máu đến thận không thể duy trì lưu lượng bình thường, từ đó gây ra bệnh thận.
4. Hay có thói quen nhịn tiểu
Theo nghiên cứu, lý do phổ biến khiến cho nhiều người có thói quen nhịn tiểu đó là vì quá bận rộn với công việc. Tuy nhiên, bạn nên thay đổi thói quen này ngay vì nó có thể dẫn đến tăng áp lực bàng quang, rối loạn phản xạ, giảm chức năng bài niệu hoặc gây ảnh hưởng đến cơ chế chống trào ngược niệu quản - bàng quang và gây nguy cơ viêm bể thận.
5. Thường xuyên thức khuya
Nếu bạn có thói quen thức khuya sẽ khiến cho thận phải làm việc quá sức và xuất hiện các triệu chứng như quầng thâm mắt và cơ thể thiếu sức sống, đặc biệt sau 40 tuổi càng dễ xảy ra các bệnh liên quan thận.
Những triệu chứng cảnh báo thận bất ổn:
- Đau thắt lưng: Thận nằm ở vị trí khu vực thắt lưng nên khi thận bị bệnh, bạn sẽ cảm thấy đau thắt lưng.
- Phù nề: Những người bị tổn thương về thận thường xuất hiện các triệu chứng như sưng mí mắt, bàn chân hoặc cẳng chân.
- Nước tiểu có bọt: Thận là cơ quan quan trọng của cơ thể, với vai trò chuyển hóa các chất độc hại thành nước tiểu để thải ra ngoài cơ thể. Bởi vậy, nước tiểu có bọt là dấu hiệu ban đầu của bệnh thận mạn tính.
- Đi tiểu thường xuyên: Người mắc bệnh thận đi tiểu thường xuyên, mỗi lần lượng nước tiểu rất ít.
- Thể lực bị giảm sút: Dù cho bạn có ăn các thực phẩm bổ dưỡng mỗi ngày nhưng người bệnh thận vẫn không đạt mức thể lực tốt. Khi chơi một số môn thể thao như cầu lông, bóng rổ, bơi lội, họ không thể theo kịp những người khác và cảm thấy rất mệt mỏi.